1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Viên phóng xạ được tìm thấy ở Australia có gây nguy hiểm?

Minh Khôi

(Dân trí) - Sau những cuộc tìm kiếm tưởng như "mò kim đáy bể", viên phóng xạ nhỏ nhưng nguy hiểm đã được tìm thấy ở một vùng quê hẻo lánh tại Australia.

Viên phóng xạ nguy hiểm

Viên phóng xạ được tìm thấy ở Australia có gây nguy hiểm? - 1

Viên nang phóng xạ sau khi được tìm thấy ở một đoạn đường cao tốc phía nam Newman, Tây Australia (Ảnh: Getty Images).

Theo Washington Post, nhà chức trách bang Tây Australia với sự hỗ trợ từ chính quyền liên bang đã tìm thấy một vật liệu phóng xạ nguy hiểm bị thất lạc vào ngày 1/2.

Vật liệu phóng xạ có dạng viên nang, dài chưa đến 1 cm, chứa bên trong caesium-137, một đồng vị phóng xạ của caesi, với chu kỳ bán rã lên tới trên 30 năm, được cảnh báo là có thể "gây bỏng phóng xạ" nếu không may chạm vào.

Chất phóng xạ này thường được tìm thấy bên trong máy khai thác mỏ và khá phổ biến ở Úc. Đó là bởi khai thác mỏ là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn ở Tây Úc, do sở hữu nhiều tài nguyên quý hiếm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, việc tiếp xúc với vật liệu này có thể làm tăng nguy cơ ung thư, bỏng phóng xạ, bệnh phóng xạ cấp tính và có khả năng tử vong.

"Nếu bạn đứng cách nó 1 mét trong 1 giờ, bạn sẽ nhận được liều phóng xạ khoảng 1 millisievert. Đó là khoảng 1/20 liều lượng mà những người làm việc với bức xạ được phép hấp thụ trong 1 năm", Edward Obbard, kỹ sư vật liệu hạt nhân tại Đại học New South Wales Sydney cho biết. 

"Nếu bạn ở gần viên nang hơn, chẳng hạn 10 cm hoặc ít hơn, bạn sẽ nhận được khoảng 100 millisievert/giờ. Việc này có thể gây ra một số ảnh hưởng đáng kể cho sức khỏe".

Điều đáng lo ngại là caesi-137 thậm chí có thể phản ứng với nguồn nước để tạo ra hợp chất hòa tan mang tên caesi hydroxide và tiếp tục gây hại cho cơ thể.

Nỗ lực truy tìm viên nang nguy hiểm

Viên phóng xạ được tìm thấy ở Australia có gây nguy hiểm? - 2

Viên nang chứa chất phóng xạ được xác định nằm trên quãng đường dài hơn 1.400 km giữa Malaga, ở Perth và Newman, bang Tây Úc (Ảnh: ABC News).

Theo nhà chức trách địa phương, viên bạc chứa chất phóng xạ Caesium-137 này được cho là đã rơi khỏi thùng sau của một xe tải khi đang được chuyển tới một kho chứa. Rio Tinto, gã khổng lồ ngành khai thác mỏ là đơn vị chịu trách nhiệm cho vụ việc này.

Một đại diện của Rio Tinto cho biết xe tải chứa viên nang rời mỏ quặng sắt Gudai-Darri ở Tây Úc ngày 12/1 và tới vùng ngoại ô gần Perth, thành phố đông dân nhất của bang, vào ngày 16/1.

Tuy nhiên mãi tới ngày 25/1, viên nang mới bị phát hiện là đã biến mất cùng với một gói hàng. Ngay sau khi thông tin trên được xác nhận, Rio Tinto đã kết hợp với chính quyền Tây Úc để xác định vị trí của viên nang nằm trên quãng đường dài khoảng 1.400 km giữa thị trấn hẻo lánh Newman và vùng ngoại ô ở phía Bắc thành phố Perth.

Những nỗ lực đầu tiên trong việc tìm kiếm vật liệu phóng xạ nguy hiểm được triển khai lần đầu vào cuối ngày thứ sáu tuần trước. Tuy nhiên do kích thước rất nhỏ của viên nang đã khiến cho việc tìm kiếm giống như "mò kim đáy bể".

Tới ngày 1/2, các đơn vị tìm kiếm mới phát hiện được viên nang đang nằm ở mép của đoạn đường Great Northern Highway, theo Ủy viên Dịch vụ Cứu hỏa và Khẩn cấp Darren Klemm cho biết.

Viên phóng xạ được tìm thấy ở Australia có gây nguy hiểm? - 3

Đội tìm kiếm sử dụng thiết bị chuyên dụng dò tìm viên phóng xạ (Ảnh: AP).

Để làm được điều này, nhóm tìm kiếm kết hợp với Tổ chức Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Úc để sử dụng một thiết bị chuyên dụng cầm tay nhằm bắt lấy tín hiệu bức xạ phát ra từ viên nang bị thất lạc.

Andy Robertson, Giám đốc Sở Y tế Tây Úc khen ngợi những nỗ lực trong quá trình tìm kiếm, đồng thời nói thêm rằng mặc dù viên nang "nhỏ và khó tìm", nhưng nó vẫn gây ra "nguy cơ đáng kể cho sức khỏe cộng đồng".

Sau khi được tìm thấy, vật liệu phóng xạ hiện đã nằm an toàn bên trong một thùng chứa bằng chì, và đưa đến một địa điểm an toàn gần Newman. Dẫu vậy trong những ngày tới, các đơn vị chuyên môn sẽ tiếp tục khảo sát địa điểm nơi viên nang được tìm thấy để đảm bảo rằng không có chất phóng xạ bị rò rỉ.

Hiện, vụ việc viên nang phóng xạ bị thất lạc đang đón nhận một làn sóng phản đối kịch liệt từ người dân sống ở Tây Úc. Họ lên tiếng yêu cầu nhà chức trách phải có câu trả lời, cũng như hình phạt thích đáng đối với những bên liên quan.