Video những chiến công chinh phục vũ trụ của NASA trong năm 2022
(Dân trí) - Năm 2022, NASA đã đạt được nhiều thành tựu trong hành trình chinh phục vũ trụ, từ sứ mệnh đánh chặn tiểu hành tinh, trở lại Mặt Trăng hay chụp lại những bức ảnh chi tiết và sâu xa nhất về vũ trụ.
Vào ngày 11/7/2022, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố bức ảnh hồng ngoại sâu và sắc nét nhất trong vũ trụ xa xôi, được chụp bằng Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST).
Nó được đưa ra ngoài Trái Đất nhằm tiếp tục công việc của kính Hubble và được NASA này trang bị các công nghệ tiên tiến nhất như máy ảnh hồng ngoại, máy quang phổ.
Một trong những mục tiêu chính của JWST là quan sát những ngôi sao và các thiên hà được sinh ra ngay sau Vụ Nổ Lớn (BigBang), phân tích bầu khí quyển của các ngoại hành tinh nhằm tìm kiếm sự sống trên đó,...
Bài thử nghiệm đánh chặn tiểu hành tinh bảo vệ Trái Đất
Năm 2022 cũng là năm đầu tiên NASA thử nghiệm nhiệm vụ mang tính quốc phòng toàn cầu.
Vào ngày 11/10/2022, sứ mệnh DART (Double Asteroid Redirection Test) đã sử dụng một tàu vũ trụ đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos, cách Trái Đất 11 triệu km, để làm chệch hướng đi của chúng.
NASA cho biết trong quá trình thực hiện sứ mệnh: "Đây là lần đầu tiên, con người thay đổi chuyển động của một thiên thể".
Hướng tới Mặt Trăng và Sao Hỏa
Năm vừa qua, cũng là năm bắt đầu chương trình Artemis, nhằm mục đích đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2025, đồng thời sứ mệnh Artemis cũng được coi là tiền đề để đưa nhân loại khám phá Sao Hỏa trong tương lai.
Ngày 16/11, sứ mệnh Artemis I đã được phóng thành công, nhằm thử nghiệm tên lửa Hệ thống Phóng Không gian khổng lồ (SLS) cùng với hiệu quả của tàu con thoi Orion trên quỹ đạo Mặt Trăng. Sau 26 ngày, con tàu đã quay trở lại Trái Đất đánh dấu thành công của Artemis I.
Bên cạnh đó, NASA còn hợp tác với các công ty hàng không khác để phát triển một loại hình vận chuyển người và hàng hóa bằng máy bay không người lái, đưa các phi hành gia lên vũ trụ hay thử nghiệm hoạt động của máy bay siêu thanh chạy bằng năng lượng điện có tên X59.