1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Video: Hiếm thấy khoảnh khắc hố đen khổng lồ nuốt chửng ngôi sao nặng như Mặt trời

Nhờ may mắn và sự nhạy bén, các nhà thiên văn học đã ghi nhận được khoảnh khắc một hố đen khổng lồ đang nuốt chửng một ngôi sao ở khoảng cách 215 triệu năm ánh sáng.

Video hố đen nuốt chửng ngôi sao sau khi được máy tính mô phỏng lại.

Đây được gọi là sự kiện hố đen "dùng bữa" (gọi tắt là TDE - tidal disruption event) và là lần đầu tiên con người chứng kiến cái chết của một ngôi sao do hố đen gây ra gần đến vậy, theo RT.

Các nhà thiên văn học bị thu hút bởi những tia sáng cực mạnh, lan tỏa đến hàng trăm triệu năm ánh sáng, trước khi những phần của ngôi sao biến mất vào trong hố đen do bị hố đen với lực hấp dẫn khổng lồ nuốt chửng.

Nhà thiên văn học Matt Nicholl và các cộng sự tại Đại học Birmingham đã nhận thấy ngôi sao trên tiến sát đến gần hố đen vào tháng 9.2019. Các nhà thiên văn học thay phiên nhau quan sát trong suốt 6 tháng sau đó.

Video: Hiếm thấy khoảnh khắc hố đen khổng lồ nuốt chửng ngôi sao nặng như Mặt trời - 1

Khoảnh khắc hố đen nuốt chửng ngôi sao.

Hiện tượng hố đen nuốt chửng ngôi sao rất khó dự đoán và chỉ có thể quan sát được nhờ vào sự nhạy bén kèm theo may mắn.

“Chúng tôi ngay lập tức chĩa kính viễn vọng theo hướng đó để xem tia sáng lan tỏa như thế nào”, nhà thiên văn học Thomas Wevers đến từ Đại học Cambridge, Anh, nói.

Một loạt kính viễn vọng ở châu Âu và nhiều nơi khác đã cùng quan sát cảnh tượng trên, thu được dữ liệu về các dạng sóng ánh sáng, bao gồm tia cực tím, vô tuyến, quang học và tia X.

Ở thời điểm bắt đầu bị hố đen nuốt chửng, ngôi sao tạo ra tia sáng mạnh nhất lan tỏa đi rất xa rồi sau đó từ từ lụi tàn và bị tan rã, biến mất hoàn toàn trong hố đen.

Theo ước tính, các nhà nghiên cứu nói ngôi sao bị hố đen nuốt chửng có trọng lượng tương đương Mặt trời, trong khi hố đen khổng lồ có trọng lượng lớn hơn hàng triệu lần.

“Sự kiện này cho chúng ta biết thêm về các hiện tượng vật lý, xảy ra khi hố đen nuốt chửng một ngôi sao”, nhà thiên văn Edo Berger thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, nói, nhấn mạnh sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng thiên văn học.