1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Vì sao kế hoạch dùng 520 quả bom nguyên tử mở kênh đào thất bại?

Phạm Hường

(Dân trí) - Nếu kế hoạch được thực hiện, một tuyến đường thủy cắt qua sa mạc Negev ở Israel, nối Địa Trung Hải với vịnh Aqaba để thông sang Biển Đỏ và Ấn Độ Dương đã xuất hiện trên bản đồ thế giới.

Vì sao kế hoạch dùng 520 quả bom nguyên tử mở kênh đào thất bại? - 1

Bản đồ Ai Cập và Israel cho thấy vị trí của kênh đào Suez hiện nay và kế hoạch mở một kênh đào xuyên qua Israel mà Mỹ dự định thực hiện vào những năm 1960 (Ảnh: Google Maps/Insider).

Một văn bản vừa được giải mật tiết lộ rằng vào năm 1963, Mỹ đã xem xét kế hoạch sử dụng 520 quả bom nguyên tử để mở một kênh đào ở Israel thay thế cho kênh Suez.

Kế hoạch nói trên đã không được thực hiện, nhưng nếu nó đã thành hiện thực thì không thể nói hết lợi ích của nó, nhất là vào năm 2021 khi một con tàu chở hàng bị mắc kẹt ở kênh đào Suez khiến tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất thế giới bị tắc nghẽn trong nhiều ngày.

Theo một bản ghi nhớ năm 1963, được giải mật năm 1996, kế hoạch này bao gồm việc sử dụng 520 quả bom nguyên tử, tương đương 1,04 gitaton chất nổ, để tạo ra một tuyến đường thủy hoàn toàn mới dài hơn 250 km. Bản ghi nhớ nêu rằng "sử dụng chất nổ hạt nhân để đào kênh Biển Chết ngang qua sa mạc Negev."

Bản ghi nhớ này do Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore soạn thảo dưới sự bảo trợ của Bộ Năng lượng Mỹ. Bản ghi nhớ có đoạn viết "một con kênh đào như vậy sẽ vô cùng giá trị về mặt chiến lược, có thể thay thế cho kênh đào Suez và sẽ góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế".

Nếu được thực hiện, kế hoạch này sẽ tạo ra một tuyến đường thủy cắt qua sa mạc Negev ở Israel, nối Địa Trung Hải với vịnh Aqaba để thông sang Biển Đỏ và Ấn Độ Dương.

Bản ghi nhớ nêu lên rằng theo điều tra sơ bộ, có đến 210/ 250 km chiều dài tuyến đường này là chạy qua sa mạc hoang vu nên có thể sử dụng bom nguyên tử mà không sợ ảnh hưởng đến môi trường sống lân cận và khả thi về mặt công nghệ.

Nhưng đồng thời, bản ghi nhớ cũng lưu ý rằng chưa thể khẳng định tính khả thi về mặt chính trị, vì có khả năng các nước Ả Rập xung quanh Israel sẽ phản đối.

Cuối cùng, sau khi tiến hành 27 cuộc thử nghiệm, kết quả cho thấy môi trường bị ảnh hưởng bởi phóng xạ, dự án này bị bãi bỏ, Ủy ban Năng lượng nguyên tử cũng giải tán vào năm 1974.

Theo www.businessinsider.com