Vì sao đôi khi chúng ta quên mất mình định đi vào một căn phòng để làm gì?
(Dân trí) - Hãy tưởng tượng bạn đang xem một tập phim rất hay trên TV. Bạn quyết định làm một túi bỏng ngô để tiếp tục thưởng thức tập phim đó, và bạn đứng dậy, đi vào bếp.
Nhưng khi vào đến bếp, bỗng nhiên bạn tự hỏi "mình vào đây để làm gì nhỉ?".
Không thể nhớ ra, nên bạn trở lại phòng khách. Ngay khi ngồi xuống ghế, bạn chợt nhớ ra định vào bếp để làm bỏng ngô. Bạn quay trở lại bếp với ý định rất rõ ràng.
Hiệu ứng ngoài cửa
Ai cũng có lần rơi vào tình huống tương tự như trên. Mặc dù mất trí nhớ thoáng qua như vậy là hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng các nhà nghiên cứu đã xác định được "thủ phạm" chính là những cánh cửa thực sự, đến mức người ta đã dùng cụm từ "hiệu ứng ngoài cửa" để chỉ hiện tượng này.
Khi chúng ta đi từ phòng này sang phòng khác, ngưỡng cửa giữa hai phòng chính là ranh giới giữa một hoàn cảnh (ví dụ như phòng khách) với một hoàn cảnh khác (như bếp chẳng hạn). Chúng ta sử dụng các ranh giới để giúp phân chia trải nghiệm của mình thành các sự kiện riêng biệt, để có thể dễ dàng nhớ được chúng.
Những "ranh giới sự kiện" này cũng giúp xác định cái gì là quan trọng trong một tình huống và cái gì khác mới là quan trọng trong một tình huống khác. Như vậy, khi một sự kiện mới bắt đầu, về cơ bản chúng ta loại bỏ thông tin về sự kiện trước vì nó có thể không còn quan trọng nữa. Nói cách khác là ý muốn có bỏng ngô liên quan đến sự kiện trong phòng khách (bộ phim trên TV) và mối liên hệ này bị gián đoạn khi chúng ta vào đến bếp.
Hãy thử làm một bài kiểm tra
Nếu hiệu ứng ngoài cửa có ảnh hưởng lớn đến vậy thì vì sao những tình huống quên như vậy rất hiếm xảy ra ở nhà? Hãy cùng xem xét hiệu ứng này một cách kỹ càng hơn.
Các nhà nghiên cứu đã cho 29 người đeo tai nghe thực tế ảo và đi lại giữa các căn phòng trong một môi trường 3D ảo. Những người này phải ghi nhớ các đồ vật (dấu cộng màu vàng, chụp đèn hình nón màu xanh, v.v.) trên bàn trong mỗi căn phòng, sau đó đem các đồ vật này sang một chiếc bàn khác. Điều quan trọng là chiếc bàn khác có thể cũng trong cùng phòng hoặc có thể ở phòng khác, được ngăn cách bởi các cửa trượt.
Điều ngạc nhiên là những lối cửa này không có tác động gì lên trí nhớ. Như vậy có nghĩa là mọi người hầu như không quên các đồ vật, cho dù chúng được đem qua cửa hay không.
Thí nghiệm khác khó hơn
Cũng lặp lại bài kiểm tra như trên, nhưng lần này các nhà nghiên cứu cho 45 người làm bài tập đếm cùng một lúc để tăng độ khó.
Với bài kiểm tra này, hiệu ứng ngoài cửa đã có tác động. Đó là khi việc đi qua các lối cửa làm giảm trí nhớ của mọi người về các đồ vật khác nhau. Cụ thể là, mọi người dễ nhầm một độ vật với một đồ vật tương tự mà họ đã ghi nhớ từ trước.
Về cơ bản, tăng thêm nhiệm vụ đếm khiến cho bộ nhớ của mọi người quá tải và dễ nhầm lẫn sau khi đi qua các lối cửa.
Phát hiện này rất giống với các việc diễn ra hàng ngày, khi chúng ta thường quên mất định đi vào phòng để làm gì do bị phân tâm và nghĩ về một thứ gì khác.
Vậy lối cửa có phải là thủ phạm?
Vì sao kết quả thí nghiệm nói trên lại không quá rõ ràng so với hiệu ứng ngoài cửa mà các nghiên cứu khác đã tìm thấy? Đó là vì trong thí nghiệm trên, các căn phòng có thiết kế giống hệt nhau. Không có sự thay đổi về hoàn cảnh, mọi người không nhìn thấy gì mới, không có chút ngạc nhiên nào về hình ảnh của căn phòng kế bên. Điều đó có nghĩa là bản thân lối cửa không có tác động gây ra việc quên lãng, mà cái chính là do sự thay đổi của môi trường.
Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một trung tâm mua sắm. Việc đi thang máy từ tầng hầm đỗ xe lên tầng có các cửa hàng sẽ dễ làm bạn quên lãng hơn là chỉ đi thang máy từ tầng bán hàng này sang tầng bán hàng khác.
Vậy làm sao để chúng ta có thể tăng khả năng ghi nhớ mình đang làm gì khi di chuyển từ phòng này sang phòng khác? Kết quả nghiên cứu cho thấy càng làm nhiều việc cùng một lúc, trí nhớ của chúng ta càng dễ bị mất tập trung khi đi qua các lối cửa.
Chúng ta chỉ có thể lưu trữ một lượng thông tin nhất định vào cùng một thời điểm. Khi bị sao nhãng bởi những suy nghĩ về các thứ khác, bộ nhớ hoạt động của chúng ta có thể dễ dàng bị quá tải. Ngoài ra, việc quên không chỉ do lối cửa. Bộ não tham gia vào "phân đoạn sự kiện" trong mọi khía cạnh của cuộc sống, cho dù là không gian hiển hiện trước mắt hay cảm giác trừu tượng.
Vậy chúng ta có thể làm gì?
Trong hầu hết các trường hợp, việc chúng ta phân đoạn các sự kiện trong cuộc sống là xu hướng thực sự có ích. Năng lực ghi nhớ và xử lý thông tin của chúng ta có hạn, vì thế chúng ta không thể nhớ quá nhiều ngay cùng một lúc. Như vậy, để xử lý tình huống tức thời một cách hiệu quả hơn thì chúng ta chỉ cần ghi nhớ thông tin tại tình huống hiện tại hơn là nhớ tất cả mọi thứ diễn ra gần đây.
Nhưng nếu muốn thoát khỏi sự "mê hoặc" của lối cửa, thì cách tốt nhất là chúng ta cố gắng giữ cho tâm trí tập trung. Như vậy, lần tới nếu bạn muốn thưởng thức bỏng ngô trong lúc xem phim, hãy luôn nghĩ về bỏng ngô khi bạn bước qua lối cửa để đi vào bếp.