1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Vì sao chúng ta thường sợ bóng tối?

Phạm Hường

(Dân trí) - Rất nhiều người cảm thấy sợ hãi khi gặp bóng tối, nhất là trẻ em. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra nguyên nhân của hiện tượng này là do cơ chế hoạt động của một số vùng trong bộ não.

Vì sao chúng ta thường sợ bóng tối? - 1

Hạch hạnh nhân là vùng não điều khiển cảm xúc, nó chi phối phản xạ sợ hãi của con người. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hoạt động của vùng não này thay đổi khi chúng ta tiếp xúc với ánh sáng và bóng tối.

Cụ thể, ánh sáng sẽ ức chế hoạt động của hạch hạnh nhân. Khi chúng ta tiếp xúc với ánh sáng vừa phải, hạch hạnh nhân sẽ bị ức chế nhiều hơn so với khi tiếp xúc với ánh sáng yếu ớt.

Điều đáng nói là ánh sáng kích thích mối liên hệ giữa hạch hạnh nhân với thùy chẩm, một vùng não cũng có liên quan đến kiểm soát cảm giác sợ hãi.

Bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) được tiến hành đối với 23 người, các nhà nghiên cứu đã phân tích hoạt động của não khi con người tiếp xúc với bóng tối (cường độ ánh sáng nhỏ hơn 1 lux), ánh sáng yếu ở cường độ 10 lux và ánh sáng mạnh ở cường độ 100 lux trong 30 giây. Thời gian tiến hành chụp cộng hưởng từ tổng cộng khoảng 30 phút.

Kết quả cho thấy, ánh sáng trung bình ức chế đáng kể hoạt động của hạch hạnh nhân, còn ánh sáng yếu chỉ ức chế một phần nhỏ hoạt động của vùng não này. Bên cạnh đó, hạch hạnh nhân và thùy chẩm cũng kết nối mạnh hơn mỗi khi có ánh sáng.

Nói cách khác, ánh sáng làm ức chế hoạt động của vùng não phụ trách cảm giác sợ hãi bóng tối. Các nghiên cứu trước đây cũng đã cho thấy, khi hai vùng não này không liên kết với nhau, cảm giác lo âu, sợ hãi tăng lên. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục thu thập thêm dữ liệu để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.

Mối liên hệ giữa ánh sáng, bóng tối, và hoạt động của não được thiết lập rất rõ ràng. Đó là: ánh sáng thay đổi giúp chúng ta nhận biết khi nào cần đi ngủ, ánh sáng thay đổi tác động lên mức độ cảnh giác của chúng ta, và còn có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta nữa.

Trong hầu hết chiều dài lịch sử loài người, chúng ta sống dựa vào ánh sáng tự nhiên và mới chỉ rất gần đây, con người mới có thể kiểm soát mức độ tiếp xúc với ánh sáng. Rất có thể khả năng kiểm soát việc tiếp xúc với ánh sáng nhiều hay ít là một cách để chúng ta giải quyết nỗi ám ảnh do bóng tối mang lại. Trên thực tế, chúng ta đã sử dụng rộng rãi nhiều biện pháp điều trị bằng ánh sáng, chẳng hạn như điều trị chứng trầm cảm, mặc dù đến nay các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn giải thích được do đâu mà các biện pháp này lại có hiệu quả.

Rất có thể bí mật nằm ở các tế bào võng mạc cảm quang. Đây là những tế bào tiếp nhận ánh sáng từ mắt và truyền đến các vùng khác nhau trong não. Tới đây các nhà khoa học sẽ tìm hiểu kỹ hơn về sự tương tác của các tế bào này với hạch hạnh nhân để hiểu được vai trò của các tập hợp con các tế bào võng mạc cảm quang cũng như của các thụ thể ánh sáng khác đối với phản xạ khi tiếp xúc với ánh sáng bằng mắt và tiếp xúc không bằng mắt.