Vì sao bạn cảm thấy thời gian trôi nhanh khi về già?
(Dân trí) - Câu nói "thời gian trôi nhanh hơn khi về già" là hoàn toàn có cơ sở dưới góc độ khoa học.
Nhận thức của chúng ta về thời gian thay đổi rất nhiều trong suốt cuộc đời. Cụ thể, khi chúng ta còn trẻ, khái niệm về thời gian dường như chỉ là những chuỗi ngày đi học, đi làm, tu luyện bản thân.
Thế nhưng khi chúng ta già đi, sự cảm nhận của mỗi người về thời gian sẽ trở nên khác biệt. Đa số đều cảm thấy như thời gian trôi nhanh hơn. Vì sao lại thế?
Theo Cindy Lustig, giáo sư tâm lý học tại Đại học Michigan, một trong những nguyên nhân lý giải cho điều này là khi chúng ta già đi, mọi người thường có xu hướng thiết lập chặt chẽ xung quanh các thói quen và ít tạo ra sự kiện mang tính bước ngoặt.
Đối với một đứa trẻ 5 tuổi, mỗi năm cuộc đời của chúng tương đương với khoảng 20% chứa đầy những trải nghiệm khi khám phá thế giới xung quanh. Thế nhưng khoảng thời gian đó chỉ tương đương với 2% cuộc đời của một người trên 50 tuổi, khi họ đã có ít trải nghiệm hơn trong cuộc sống.
Lustig giải thích rằng, bộ não của chúng ta có xu hướng kết hợp những khoảng thời gian trùng lặp, có thể là mỗi ngày, hoặc mỗi tuần, tạo ra một cảm giác giống như mọi thứ đang hòa quyện với nhau.
Do vậy, nếu không có những trải nghiệm mang tính bước ngoặt, bạn sẽ cảm thấy thời gian trôi đi rất nhanh, vì "ngày nào cũng như ngày nào". Đây là lý do tại sao hầu hết mọi người có thể nhớ rõ những trải nghiệm độc nhất, thay vì điều xảy đến hàng trăm lần.
Một lý thuyết khác cho rằng thời gian trôi nhanh là do bộ não của chúng ta bị lão hóa. Trong đó, nhận thức của chúng ta về trải nghiệm cuộc sống có thể bị sai lệch khi chúng ta già đi, và bộ não cần nhiều thời gian hơn để xử lý những hình ảnh mới.
Mặt khác, khi còn trẻ, não có thể tiếp nhận thông tin mới một cách nhanh chóng, cho phép nó xử lý nhiều hơn trong cùng một khoảng thời gian. Điều này khiến thời gian như rút ngắn đi khi ta già.