Vì sao 40 độ C trên sa mạc vẫn ổn nhưng ở vùng nhiệt đới lại nguy hiểm?
(Dân trí) - Biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ ngày càng cao hơn, nhưng chúng thực sự đã diễn ra thế nào?
Ngay cả trước khi bán cầu Bắc bước vào mùa nắng nóng hơn bình thường, nhiệt độ trong năm nay cũng đã cao kỷ lục, ví dụ như ở Tây Ban Nha là 38,8 độ C trong tháng Tư, mức nhiệt cao chưa từng có ở nước này.
Nam Á và Đông Nam Á hứng chịu một đợt nắng nóng kéo dài khủng khiếp, cụ thể là Việt Nam và Thái Lan đã trải qua nhiệt độ cao kỷ lục là 44 và 45 độ C.
Tại Singapore, dù có thấp hơn nhưng nhiệt độ cũng phá kỷ lục ở nước này và chạm mức 37 độ C. Thượng Hải, Trung Quốc có mức nhiệt tháng 5 là 36,7 độ C, cao nhất trong hơn 1 thế kỷ qua.
Chúng ta đều biết rằng biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ ngày càng cao hơn, nhưng các đợt nắng nóng xảy ra ở những nơi cùng vĩ độ cũng có tác động khác nhau tùy vào nhiều yếu tố như độ ẩm hay sự chuẩn bị đón nhận tình hình nắng nóng trở nên gay gắt.
Vậy thì ở mức nhiệt 44 độ C thì tình hình ở Việt Nam ra sao khi đi kèm với độ ẩm cao, và so với đợt nắng nóng nhưng khô hanh hơn ở Singapore thì thế nào?
Thời tiết và sinh lý học
Đợt nắng nóng gần đây ở Đông Nam Á sẽ được nhớ mãi bởi sự bức bối nóng nực mà nó gây ra cho cơ thể con người. Kiệt sức chủ yếu do nhiệt độ cao gây ra, nhưng các yếu tố khác liên quan đến thời tiết như độ ẩm, bức xạ và gió cũng có ảnh hưởng lớn.
Cơ thể chúng ta tiếp nhận nhiệt từ không khí xung quanh, từ mặt trời hay các quá trình nội sinh như là tiêu hóa và vận động. Để cân bằng lại, cơ thể chúng ta cần giải tỏa bớt nhiệt.
Một phần nhiệt tỏa trực tiếp ra không khí xung quanh, một phần qua hơi thở, nhưng nhiều nhất là tỏa nhiệt qua quá trình đổ mồ hôi. Đó là khi mồ hôi toát ra trên da thì sẽ bay hơi và mang theo nhiệt từ da vào không khí dưới dạng ẩn nhiệt.
Toàn bộ cơ chế sinh và hạ nhiệt đều chịu tác động của các yếu tố khí tượng, ví dụ: không có bóng râm khiến cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, còn độ ẩm cao hơn có nghĩa là tốc độ bay hơi nước trên da bị giảm xuống. Và chính độ ẩm đang làm tăng mức độ khó chịu của đợt nắng nóng ở Đông Nam Á, một khu vực vốn đã cực kỳ ẩm ướt.
Giới hạn chịu đựng kiệt sức do nhiệt
Tình trạng sức khỏe vốn có và các điều kiện sinh hoạt cá nhân có thể làm cho một số người dễ bị kiệt sức do nhiệt hơn. Tuy nhiên, mức độ kiệt sức do nhiệt có thể đạt đến giới hạn mà nếu vượt quá thì tất cả mọi người, kể cả những người vốn có sức chịu đựng cao, khỏe mạnh hay thích nghi tốt, cũng không thể sống sót ngay cả khi không vận động nhiều.
Có một cách đánh giá kiệt sức do nhiệt được gọi là Nhiệt độ cầu ướt. Trong điều kiện đầy nắng, thì Nhiệt độ cầu ướt tương đương với 39 độ C, kết hợp với độ ẩm tương đối 50%. Trong đợt nắng nóng hiện nay ở Đông Nam Á, giới hạn nhiệt đó đã bị vượt quá ở nhiều nơi.
Ở những nơi ít ẩm ướt hơn và xa khỏi khu vực nhiệt đới, độ ẩm và nhiệt độ cầu ướt cùng những nguy cơ đi kèm đều thấp hơn nhiều.
Đợt nắng nóng ở Tây Ban Nha hồi tháng 4/2023 với nhiệt độ cao nhất 38,8 độ C có mức Nhiệt độ cầu ướt chỉ khoảng 30 độ C, còn đợt nắng nóng ở Anh năm 2022 với nhiệt độ 40 độ C nhưng độ ẩm chỉ chưa đến 20% cho nên Nhiệt độ cầu ướt chỉ khoảng 32 độ C.
Trên thực tế, chưa cần đến ngưỡng có thể sống sót thì đa số mọi người đã rất dễ bị tổn thương rồi. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy rất nhiều người chết trong các đợt nắng nóng mà thời tiết chưa đến nhiệt độ cao dữ dội.
Thêm vào đó, các phân tích và dự báo khí hậu toàn cầu cũng không thể tính hết được một số sự kiện thời tiết cực đoan cục bộ do các quá trình khí hậu khôn lường gây ra.
Ví dụ như cùng một thành phố, nhưng một số điểm lại hấp thụ nhiệt nhiều hơn các điểm xung quanh, hoặc lại được làm mát nhờ có gió biển lưu thông, hoặc nương vào một sườn đồi nên không lọt vào vùng có mưa, nhờ đó mà đỡ ẩm ướt hơn.
Biến đổi và thích nghi
Đặc trưng của vùng nhiệt đới là nhiệt độ ít thay đổi, ví dụ: Singapore nằm ngay gần xích đạo và nhiệt độ ban ngày trung bình khoảng 32 độ C quanh năm, trong khi nhiệt độ cao nhất ở London, Anh, vào giữa mùa hè cũng chỉ 24 độ C. Tuy vậy, London lại từng ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 40 độ C, cao hơn Singapore chỉ có 37 độ C.
Điều kiện phổ biến ở Đông Nam Á là luôn có mức kiệt sức do nhiệt cao nên con người ở đây cũng thích nghi tốt hơn khi gặp môi trường nhiệt độ cao. Các báo cáo ban đầu cho thấy đợt nắng nóng hiện nay gây ra rất ít trường hợp tử vong, đây là điều đáng ngạc nhiên, còn báo cáo chính xác thì hiện chưa có.
Mặt khác, do tính ổn định tương đối về nhiệt độ quanh năm, nên mọi người ít có chuẩn bị cho tình hình nhiệt độ tăng liên quan đến đợt nắng nóng này.
Đôi khi có tình trạng chủ quan, cho rằng không có biến đổi khí hậu thì thời tiết tự nhiên cũng có thể sinh ra những đợt nắng nóng tăng cao, cho nên rủi ro tử vong do tiếp cận gần đến giới hạn sinh lý chịu đựng nhiệt rất dễ xảy ra.