Vi khuẩn đường ruột khác biệt ở trẻ em béo phì
(Dân trí) - Một nghiên cứu cho thấy, trẻ béo phì có sự khác biệt về quần thể vi khuẩn sống có trong đường ruột so với những trẻ gầy còm. Những vi sinh vật này xuất hiện để đẩy nhanh việc chuyển đổi hyđrat-cacbon thành chất béo sau đó tích tụ trong cơ thể.
Đây là nghiên cứu đầu tiên tìm thấy liên kết giữa hệ vi sinh vật đường ruột và cung cấp chất béo ở trẻ em. Các vi sinh vật đường ruột ở trẻ em béo phì cũng tương tự như những người lớn béo phì, được tìm thấy ở các nghiên cứu trước. Cho thấy bằng chứng vi khuẩn đóng vai trò trong quá trình tăng cân bắt đầu từ khi còn nhỏ.
Các nhà nghiên cứu không thể xác định lý do tại sao các vi sinh vật khác nhau giữa những người béo phì và những người gầy còm, nhưng suy đoán rằng chế độ ăn khác nhau có khả năng đóng góp vào sự phát triển của một loại vi khuẩn so với các loại khác.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Nicola Santoro,đến từ Đại học Yale ở New Haven, Connecticut, cho biết: "Trong nghiên cứu, chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng một chế độ ăn nhiều carbohydrate có thể có lợi cho sự phát triển của vi khuẩn lên men và tích lũy thêm năng lượng trong hình thức của chất béo cơ thể”.
Lên men là một quá trình mà các vi khuẩn đường ruột phá vỡ hyđrat-cacbon và chuyển đổi chúng thành các hợp chất khác, bao gồm cả chất béo.
Khoảng 17% trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ bị béo phì, tăng từ 2 đến 4 lần so với 30 năm trước đây, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Trẻ béo phì có nhiều khả năng trở thành người lớn béo phì và có nguy cơ cao hơn đối với vấn đề sức khỏe như bệnh tim, bệnh tiểu đường tuýp 2, đột quỵ , một số loại ung thư và viêm xương khớp, theo số liệu của CDC.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hệ vi sinh vật đường ruột của 84 trẻ em và thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 7 đến 19. Trong số này có 27 thanh niên bị béo phì, 35 người bị béo phì nặng , 7 người thừa cân và 15 người cân nặng bình thường. Những người tham gia cũng đã trải qua MRI để đo sự phân bố mỡ trong cơ thể.
Nhóm nghiên cứu đã xác định 8 nhóm, hoặc hệ, của hệ vi sinh vật đường ruột đã được gắn liền với quá trình lên men hyđrat-cacbon và tích tụ chất béo. Bốn trong số những hệ phát triển mạnh ở trẻ béo phì và thiếu niên, đặc biệt là những người béo phì cao nhất so với những người tham gia có cân nặng bình thường. Một lượng nhỏ trong 4 nhóm vi khuẩn khác cũng được tìm thấy trong những người tham gia nghiên cứu người bị béo phì.Những vi khuẩn này phần lớn đều vắng mặt hoặc có mặt trong chỉ số thấp trong thanh thiếu niên gầy còm.
Nói chung, hệ vi sinh vật đường ruột được tìm thấy ở những thanh niên béo phì có khuynh hướng hiệu quả hơn trong việc chuyển carbohydrate thành chất béo so với hệ thực vật đường ruột của những trẻ có cân nặng bình thường. Điều này cho thấy rằng ngay cả với lượng calo tương tự, thanh thiếu niên béo phì đang tích lũy nhiều chất béo so với trẻ gầy còm, đây là kết quả của các thành phần hệ vi sinh vật đường ruột của những người tham gia.
Tiến sĩ Nicola Santoro, kết luận thêm sự đa dạng các hệ vi sinh vật của con người có thể phát triển và có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị béo phì sớm trong tương lai. Thay đổi chế độ ăn uống cũng có thể làm thay đổi các hệ thực vật đường ruột.
Đ.T.V –NASATI (Theo Livescience)