1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Vệ tinh mất liên lạc, vỡ vụn không rõ nguyên nhân

Minh Khôi

(Dân trí) - Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được tình huống xảy ra với vệ tinh Intelsat 33e sau khi nó mất liên lạc và vỡ vụn trên quỹ đạo Trái Đất.

Vệ tinh mất liên lạc, vỡ vụn không rõ nguyên nhân - 1

Vệ tinh Intelsat 33e mất liên lạc, vỡ vụn không rõ nguyên nhân (Ảnh: Getty).

Vệ tinh Intelsat 33e, còn được gọi là IS-33e, được báo cáo là đã ngừng hoạt động vào ngày 19/10, dẫn đến sự cố mất điện và dịch vụ cho khách hàng trên khắp Châu Âu, Châu Phi và một số khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đến ngày 22/10, Boeing và các cơ quan chính phủ xác nhận rằng vệ tinh đã bị vỡ trên quỹ đạo địa tĩnh, độ cao 35.786 km so với đường xích đạo của Trái Đất.

Douglas Hendrix, Giám đốc điều hành của ExoAnalytic Solutions, cho biết công ty của ông đã xác định được ít nhất 57 mảnh vỡ từ vệ tinh sau khi sự cố xảy ra. Tuy nhiên, nguyên nhân xảy ra sự việc vẫn chưa được làm rõ.

Theo các chuyên gia, sự việc như đối với IS-33e không phải là chưa từng có tiền lệ. Trước đây, nhiều vệ tinh bị phá hủy do va chạm ngoài ý muốn, hoặc do ảnh hưởng từ bão mặt trời, khiến hệ thống định hướng gặp trục trặc.

Thông tin từ Conversation cho biết, IS-33e từng đã có quá khứ gặp trục trặc kỹ thuật trong suốt 8 năm triển khai, bao gồm một số vấn đề về hệ thống đẩy. Một vệ tinh khác cùng loại, là Intelsat IS-29e, cũng đã hỏng vào năm 2019.

Bên cạnh việc không thể quay trở lại hoạt động, IS-33e còn gây ra vấn đề lớn hơn nhiều về rác vũ trụ.

Theo Iflscience, số lượng vệ tinh trên quỹ đạo đã tăng vọt trong những năm gần đây. Tính đến giữa năm 2024, có hơn 8.000 vệ tinh trên Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, với khoảng 6.050 vệ tinh Starlink của SpaceX.

Công ty do tỷ phú người Mỹ Elon Musk sáng lập có kế hoạch ngay lập tức tăng gấp đôi con số đó để đạt gần 12.000 vệ tinh trong tương lai gần, và cuối cùng mở rộng lên tới 34.400 vệ tinh.

Tuy nhiên, với mỗi vệ tinh, nguy cơ rác vũ trụ sẽ tăng lên, chủ yếu đến từ mảnh vỡ của các vật liệu không sử dụng, được phóng lên theo tên lửa và các vệ tinh ngừng hoạt động.

Theo ESA, ước tính có hơn 170 triệu mảnh rác vũ trụ có kích thước lớn hơn 1 mm bị kẹt trong quỹ đạo Trái Đất, và chúng quá nhỏ để theo dõi. 

Tuy nhiên, có khả năng có hơn 29.000 mảnh vỡ có kích thước lớn hơn, dài tới 10 cm, đủ để gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho vệ tinh và tàu vũ trụ hoạt động trong khu vực này.

Theo www.iflscience.com