1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Sự sống ngoài hành tinh có thể ẩn náu bên dưới lớp băng ở Sao Hỏa

Minh Khôi

(Dân trí) - Hai thành phần chính cho quá trình quang hợp là nước lỏng và ánh sáng mặt trời trên Sao Hỏa đều được đáp ứng tại một số khu vực nhất định.

Sự sống ngoài hành tinh có thể ẩn náu bên dưới lớp băng ở Sao Hỏa - 1

Trên Sao Hỏa từng tồn tại đại dương rộng lớn, và một phần nước lỏng có thể vẫn còn tồn tại đến nay (Ảnh: Getty).

Sao Hỏa từ lâu đã là hành tinh được xem là gần gũi với Trái Đất vì sở hữu nhiều yếu tố tương đồng trong quá trình hình thành và phát triển.

Điều này khiến nó trở thành nơi tiềm năng nhất trong Hệ Mặt Trời có khả năng xuất hiện sự sống, hay thậm chí là cả một nền văn minh ngoài Trái Đất.

Một nghiên cứu mới do Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA (JPL) công bố đã ủng hộ cho luận điểm này, khi cho rằng cả Trái Đất và Sao Hỏa đều tồn tại trong thứ gọi là "vùng có thể sinh sống" của Mặt Trời.

Không chỉ vậy, cũng có thể tồn tại nước lỏng ở vĩ độ trung bình tại nhiều khu vực khác nhau trên Sao Hỏa.

Sử dụng mô phỏng máy tính, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng băng bụi trên Sao Hỏa có thể tan chảy từ bên trong, với lớp băng bên trên bảo vệ khối nước lỏng bên dưới khỏi bị bốc hơi vào bầu khí quyển khô cằn của Sao Hỏa.

Như vậy, hai thành phần chính cho quá trình quang hợp là nước lỏng và ánh sáng mặt trời trên Sao Hỏa đều được đáp ứng.

"Quá trình quang hợp đòi hỏi lượng ánh sáng mặt trời và nước lỏng thích hợp để xảy ra", Aditya Khuller, nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại JPL, chia sẻ.

Sự sống ngoài hành tinh có thể ẩn náu bên dưới lớp băng ở Sao Hỏa - 2

Các lỗ cryoconite có thể là căn cứ để tìm kiếm sự sống trên Sao Hỏa (Ảnh: JPL).

"Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng trên Sao Hỏa có khả năng xảy ra điều tương tự như ở Trái Đất, khi sự sống ẩn chứa bên dưới lớp băng, lẫn trong bụi và trầm tích".

Theo các nhà nghiên cứu, hiện tượng này được gọi là các "lỗ cryoconite". Chúng hình thành khi bụi và lớp trầm tích trên bề mặt băng tan chảy ngược vào trong lòng băng. Nguyên nhân là bởi chúng tối màu hơn băng, nên cũng hấp thụ ánh sáng mặt trời nhiều hơn.

"Trên Trái Đất, các vi sinh vật thường "ngủ đông" khi không có đủ ánh sáng mặt trời để tạo thành nước lỏng bên trong lớp băng bụi", chuyên gia tới từ NASA cho biết. "Điều tương tự có thể cũng xảy ra ở Sao Hỏa, ngay cả khi bề mặt hành tinh này cực kỳ khô cằn".

Dẫu vậy, Aditya Khuller nhấn mạnh rằng phát hiện này không phải lời tuyên bố đã tìm thấy sự sống trên Sao Hỏa.

Thay vào đó, có thể coi đây là lời chỉ dẫn để hướng tới những nơi dễ tìm kiếm sự sống nhất trên Sao Hỏa tại thời điểm hiện nay.

Trước đó, các nhà khoa học từng cho rằng Sao Hỏa đã tồn tại một đại dương rộng lớn, nhưng trong quá trình phát triển suốt hàng tỷ năm, nó đã đánh mất lợi thế này trước khi từ trường bị phá hủy, khiến bầu khí quyển cũng hầu như bị tước đi.

Theo www.space.com