VĐV liên tiếp phá kỷ lục Olympic nhờ công nghệ này của người Nhật?

Minh Khôi

(Dân trí) - Olympic 2020 diễn ra tại Nhật đang chứng kiến điều "điên rồ" khi một loạt kỷ lục ở bộ môn điền kinh bị phá vỡ. Tại sao có hiện tượng này?

VĐV liên tiếp phá kỷ lục Olympic nhờ công nghệ này của người Nhật? - 1

Ở nội dung chạy 100 mét nam, VĐV người Italia, Marcell Jacobs đã xuất sắc giành tấm huy chương vàng. Ảnh: AP

Liên tiếp nhiều kỷ lục Olympic bị phá vỡ

Ngày 1/8, lần đầu tiên sau 12 năm, Olympic chào đón "người nhanh nhất thế giới" mới: Marcell Jacobs, sau thời kỳ thống trị của Usain Bolt. Nhiều người đã gọi Jacobs với biệt danh "Gã điên" với tấm HCV gây chấn động thế giới.

Thế nhưng chỉ ít ngày sau, một loạt kỷ lục ở các bộ môn điền kinh cũng bị phá vỡ theo những cách đầy điên rồ, điển hình như Andre De Grasse với tấm HCV ở đường chạy 200m, Karsten Warholm ở nội dung 400m vượt rào, hay Yulimar Rojas phá kỷ lục Thế giới tồn tại suốt 26 năm ở nội dung nhảy xa ba bước nữ.

Cũng trong cuối tuần trước, 3 nữ VĐV điền kinh người Jamaica đã thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới khi ẵm trọn cả bộ huy chương vàng, bạc và đồng ở cự ly chạy nước rút 100m tại Olympic Tokyo.

Việc một loạt những kỷ lục Olympic bị phá vỡ khiến người ta không thể không đặt câu hỏi rằng tại sao hiện tượng này lại xảy ra cùng một thời điểm, và cùng ở một kỳ thế vận hội như Olympic 2020.

Tờ NYtimes mới đây đã có một bài viết hé lộ về bí mật này. Hóa ra, góp phần vào sự thành công của các VĐV điền kinh chính là công nghệ mặt đường chạy tiên tiến nhất mà nước chủ nhà áp dụng tại kỳ thế vận hội lần này.

VĐV liên tiếp phá kỷ lục Olympic nhờ công nghệ này của người Nhật? - 2

Các VĐV bắt đầu đường chạy ở nội dung 100 mét nam ở Olympic Tokyo. Ảnh: AP

Loại vật liệu làm tăng thành tích của VĐV?

Được biết, từ tháng 8 đến tháng 11/2019, công ty Mondo - nhà cung cấp vật liệu và thi công đường chạy cho 12 kỳ Thế vận hội, đã nhận nhiệm vụ thi công các đường chạy phục vụ Olympic Tokyo.

Họ đã cải tiến đường chạy có tên MONDOTRACK WS so với những cung đường 5 năm trước đó ở Thế vận hội Rio 2016. Chúng cấu thành từ vật liệu cao su bán lưu hóa có khả năng kết dính, đàn hồi cao và bẫy một lớp không khí mỏng nằm ở phía bên dưới.

Các khoang không khí này hỗ trợ hấp thụ lực xung kích khi VĐV nhấn bước chân của họ xuống đường chạy, tích trữ năng lượng từ lực này và trả lại họ ngay tức thì để tạo ra phản ứng động học tiến về phía trước.

Theo Mondo, thiết kế khoang không khí hình tổ ong sẽ giúp tạo ra sự biến dạng ba chiều trên lớp lót đường đua giảm thiểu thời gian VĐV tiếp xúc với sàn và tối đa hóa thời gian hoàn trả lực.

Thậm chí ngay cả lớp đệm bên trên cũng được tối ưu từ vật liệu cao su bán lưu hóa mà Mondo gọi là hạt TY. Các hạt này cũng giúp tối ưu hóa độ đàn hồi và tăng khả năng thu hồi năng lượng cho VĐV. Nó được cho là có thể giúp VĐV kiểm soát tốt hơn độ sải của chân, nhịp chạy và sự ổn định của họ.

VĐV liên tiếp phá kỷ lục Olympic nhờ công nghệ này của người Nhật? - 3
VĐV liên tiếp phá kỷ lục Olympic nhờ công nghệ này của người Nhật? - 4

Đường chạy ở Olympic Tokyo năm nay có sự cải tiến về thiết kế, giúp tăng từ 1-2% thành tích cho các VĐV điền kinh.

"Nó giúp tăng cường khả năng chống trượt, độ bám đường và giảm khả năng gai giày xuyên được qua bề mặt. Điều này sẽ giúp VĐV chạy nhanh hơn do thời gian chân họ tiếp xúc với đường đua ít hơn", đại diện của Mondo chia sẻ.

Công ty cho biết các cải tiến này nhằm "tối đa hóa tốc độ của các VĐV và cải thiện thành tích của họ". Cụ thể, họ đã sử dụng kết hợp rất nhiều công nghệ được cấp bằng sáng chế độc quyền cho đường chạy này.

Mondo ước tính đường chạy ở Olympic Tokyo năm nay có thể cải thiện từ 1-2% thành tích cho các VĐV. Bằng chứng rõ ràng nhất là trong những ngày thi đấu qua, nhiều VĐV đã phá vỡ kỷ lục của chính mình, và thậm chí thiết lập kỷ lục thế giới mới.

Nhiều VĐV cũng đã phải ngạc nhiên khi chạy trên đường MONDOTRACK WS tại Olympic Nhật Bản. Họ lên tiếng thừa nhận với đường chạy này, nhiều kỷ lục cá nhân, kỷ lục Olympic và kỷ lục thế giới có thể bị phá vỡ.

"Đó thực sự là một đường đua tốt, một trong những đường chạy tốt nhất mà tôi từng chạy", Ronnie Baker - VĐV người Mỹ đang tham gia bộ môn 100m tiếp sức nam cho biết. "Tôi có cảm giác cứ như đang chạy trên mây".

"Chỉ cần cảm nhận thôi bạn sẽ thấy được điều đó. Các VĐV như chúng tôi luôn biết cảm giác của những đường chạy nhanh chậm như thế nào. Và đối với chúng tôi, đường đua ở Olympic năm nay thực sự rất nhanh, tôi rất háo hức để được chạy và thi đấu trên đó", Akani Simbine - VĐV chạy nước rút người Nam Phi nhận xét.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm