Văn phòng làm việc không sạch như bạn nghĩ

(Dân trí) - Một chiếc bàn làm việc thông thường là nơi trú ngụ của hơn 10 triệu vi khuẩn, gấp 400 lần so với bệ ngồi bồn cầu. Cho dù bạn không nhìn thấy, nhưng chạm tay vào các nút bấm thang máy là rất mất vệ sinh.

Ngoài nguy cơ đối với sức khỏe thì môi trường làm việc bẩn còn ảnh hưởng đến tâm lí. Con người vốn có tâm lí phản ứng lại môi trường bẩn. Một nơi làm việc sạch sẽ còn đồng nghĩa với việc giảm số ngày nhân viên bị ốm và tăng hiệu suất công việc.


Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nếu đang trong tình trạng ốm mà vẫn phải đi làm thì người đó có thể truyền mầm bệnh sang đồng nghiệp. Đã có những khảo sát nghiêm túc về vấn đề này, chẳng hạn như ở Úc, người ta đã tính ra mỗi năm nền kinh tế thiệt hại khoảng 34,1 tỉ đô-la Úc do hiệu suất công việc bị giảm khi người lao động ốm. Và người lao động nghỉ ốm còn làm cho kinh tế Úc mất khoảng 7 tỉ đô-la Úc mỗi năm.

Chúng ta không sạch như mình nghĩ

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã tiến hành khảo sát trong 13 tháng và phát hiện thấy 4.800 bề mặt các đồ vật trong các tòa nhà văn phòng thực sự bẩn. Vòi nước, lò vi sóng, bàn phím máy tính và cánh tủ lạnh là những chỗ bẩn nhất.

Điều này thực sự đáng lo ngại khi mà các văn phòng càng ngày càng theo xu hướng không gian mở và sử dụng chung bàn làm việc. Người làm việc trong không gian mở nghỉ ốm bất chợt nhiều hơn 62% so với người làm việc trong không gian riêng hoặc văn phòng có chia ngăn.

Qui ước căn bản khi sử dụng chung bàn làm việc là phải làm sạch chỗ ngồi và thiết bị văn phòng mình dùng sau khi kết thúc công việc. Tuy nhiên, chưa đến ½ số người sử dụng tuân thủ qui ước này.

Một số người được hỏi đã cho biết họ không trực tiếp chạm tay vào bất cứ bề mặt nào trong khu vệ sinh ở nơi làm việc mà sử dụng găng tay hoặc giấy vệ sinh để lót, hoặc để tránh phải chạm vào hộp đựng giấy vệ sinh công cộng, họ đem theo giấy của mình mỗi khi cần.

Điều đó nghe có vẻ kì cục nhưng hoàn toàn có thể hiểu được, bởi vì nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lí Hoa Kỳ đã cho thấy trong một số điều kiện nhất định, người ta có thể có những hành động bẩn như lợn. Cả ý thức về môi trường và qui ước xã hội đều ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta. Ví dụ: ngay cả những người nói rằng họ không xả rác bừa bãi thì vẫn làm như vậy khi thấy môi trường đã bẩn sẵn hoặc đã thấy có rác do người khác vứt.

Nếu nơi làm việc đã bẩn thì cũng dễ hiểu khi không ai tự động quét dọn. Người ta cảm thấy không có trách nhiệm dọn dẹp vì xung quanh đều thế cả và trở nên xử sự theo cách mà bình thường họ không như thế.

Nơi làm việc không sạch sẽ ảnh hưởng ra sao đến người lao động?

Một nghiên cứu được công bố trên trang ScienceDirect, một trang web được nhiều nhà khoa học ở Mĩ chia sẻ thông tin, nhận được phản hồi của 43.021 người làm việc ở 351 tòa nhà văn phòng, đã phát hiện ra rằng mức độ sạch sẽ tỉ lệ thuận với độ hài lòng của người lao động. Trong cả thí nghiệm tại phòng thí nghiệm và tại thực địa, các văn phòng sạch sẽ gọn gàng đều có đội ngũ nhân viên tin cậy và tổ chức hoạt động và học tập tốt. Những khu bàn làm việc thường xuyên dùng chung nếu không được vệ sinh sạch sẽ có thể khiến nhân viên kém nhiệt tình trong hợp tác với đồng nghiệp và giảm độ tin cậy, gắn kết với công ty.

Nhưng trên hết vẫn là ảnh hưởng về mặt sức khỏe của nơi làm việc không đảm bảo vệ sinh. Vi-rút có thể tồn tại hàng nhiều giờ thậm chí nhiều tháng trên bề mặt điện thoại và thiết bị máy tính.

Một nghiên cứu khác về tác động của chất lượng vệ sinh môi trường làm việc đã cho thấy một văn phòng sạch sẽ có thể giảm 12,5% số ngày nhân viên nghỉ ốm và nâng cao hiệu suất làm việc.

Chúng ta có thể làm gì?

Không phải bệnh lây truyền nào cũng có vắc-xin, vì thế việc khắc phục các vấn đề của nơi làm việc bẩn đòi hỏi một chút cố gắng và sáng tạo.

Giữ vệ sinh cho bàn tay là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm lan truyền vi khuẩn.

Nhiều nơi đã có ô vệ sinh đơn giản ngay trong những không gian mở hoặc chỗ nhiều người thường xuyên sử dụng chung để khuyến khích người lao động lau bàn, thiết bị máy tính và điện thoại sau một ngày làm việc.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, “giao quyền sử dụng riêng” cũng làm tăng trách nhiệm và khiến mọi người làm theo nguyên tắc vệ sinh tốt hơn. Chẳng hạn như giao cho mỗi nhóm sử dụng riêng một phòng làm việc và có qui định trong nhóm tự phân công vệ sinh định kì phòng làm việc.

Mặc dù người lao động được khuyến khích nghỉ ngơi ở nhà trong thời gian bị ốm và việc áp dụng các biện pháp vệ sinh cũng có tác động tích cực, nhưng trên thực tế làm sao để nâng cao chất lượng vệ sinh nơi làm việc vẫn chưa thực sự được mọi người quan tâm và có ý thức cải thiện.

Phạm Hường (Theo The Conversation)