Vạn Lý Trường Thành bền chắc hàng ngàn năm nhờ lớp "xi măng" sống
(Dân trí) - So sánh độ bền cơ học tường thành ở khu vực có "xi măng sống" với các đoạn đất trần, các nghiên cứu nhận thấy chúng có độ bền gấp ít nhất 3 lần.
Kiệt tác Vạn Lý Trường Thành kéo dài hàng ngàn km ở Trung Quốc là một minh chứng không thể rõ hơn cho sự tài năng và khéo léo của các kiến trúc sư thời xưa.
Đến nay, công trình vẫn trụ vững dù đã có tuổi đời lên tới hàng ngàn năm. Bí quyết của điều này không chỉ đến từ những vật liệu tạo thành trong quá trình xây dựng, mà còn bởi sự hỗ trợ đắc lực tới từ thiên nhiên.
Một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc, Mỹ và Tây Ban Nha, phát hiện thấy nhiều đoạn tường thành được bao bọc bởi một lớp vỏ sinh học, gồm địa y, vi khuẩn, nấm, rêu, và các loại thực vật nhỏ khác.
Chúng tạo thành các lớp mỏng ở bất kỳ đâu, vừa đóng vai trò "lá chắn" khi bảo vệ đất trên tường thành khỏi bị xói mòn bởi gió và mưa, lại vừa là giàn giáo cho lớp đất bề mặt bên dưới.
Sau khi tiến hành khảo sát thực tế khoảng 600km chiều dài của Vạn Lý Trường Thành, các nhà nghiên cứu nhận thấy các mẫu tường bên dưới lớp quần thể thực vật và vi khuẩn có cấu trúc ít xốp hơn và không dễ vỡ vụn như ở các đoạn tường khác.
Cụ thể, so với phần đất trần, các phần được phủ lớp vỏ sinh học có độ xốp, khả năng giữ nước, độ xói mòn và độ mặn giảm từ 2 đến 48%. Cùng với đó là tăng cường độ nén, khả năng chống xuyên thấu, cường độ cắt và độ ổn định của vật liệu từ 37 đến 321%.
"Chức năng bảo vệ của lớp vỏ sinh học tựa như "xi măng sống", giúp giảm khả năng bị xói mòn của tường thành, và có thể cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các di sản khác", nghiên cứu cho biết.
Mặc dù rễ của rêu và địa y có thể gây ra một số thiệt hại nhỏ, song khả năng liên kết các thành phần địa chất của nó lớn hơn bất kỳ rủi ro nào mà chúng gây ra cho cấu trúc tổng thể.
Khi so sánh độ bền cơ học tường thành ở khu vực có lớp vỏ sinh học với các đoạn đất trần bằng thiết bị cơ khí, họ nhận thấy chúng có độ bền gấp ít nhất 3 lần.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của lớp vỏ sinh học như một sự can thiệp dựa trên thiên nhiên vào việc bảo tồn Vạn Lý Trường Thành, giúp di sản này khỏi bị xói mòn.
Họ cũng phát hiện thêm rằng chức năng bảo vệ của lớp vỏ sinh học chủ yếu phụ thuộc vào đặc điểm lớp vỏ sinh học, điều kiện khí hậu và loại cấu trúc bề mặt.
Dẫu vậy, việc để bức tường phủ đầy rêu và địa y có thể sẽ không mang lại cho khách du lịch cái nhìn như mong đợi về công trình mang tính biểu tượng của Trung Quốc.
Ngay cả các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận, cần có sự cân bằng giữa thảm thực vật mang tính chất bảo vệ và tính thẩm mỹ, dù rất khó để vạch ra ranh giới của điều này bằng cách sử dụng khoa học.