Ứng dụng đặc biệt giúp cải thiện sự tập trung của con người
(Dân trí) - Nếu bạn đã từng nghĩ rằng có thể dùng thuốc để cải thiện sự thiếu tập trung thì có thể sẽ phải suy nghĩ lại. Một ứng dụng “đào tạo não” đơn giản từ Đại học Cambridge có thể giúp bạn làm được tốt hơn.
Viện nghiên cứu thần kinh lâm sàng của trường Đại học Cambridge đã phát triển và thử nghiệm một ứng dụng có tên "Bộ giải mã". Đây là ứng dụng kích hoạt một mạng lưới trong não giúp cải thiện sự chú ý và tập trung của con người.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Behavioral Neuroscience, các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Giáo sư Barbara Sahakian đã phát hiện ra rằng, ứng dụng sử dụng trên iPad 8 giờ liên tục mỗi ngày trong suốt một tháng đã giúp cải thiện thần kinh của những người tham gia thử nghiệm.
Đặc biệt, trong thử nghiệm này, những người tham gia có thể so sánh với những người phải dùng chất kích thích như methylphenidate (Ritalin) hoặc nicotine.
Giáo sư Sahakian nói: "Nhiều người nói với tôi rằng họ gặp khó khăn trong việc tập trung sự chú ý. “Bộ giải mã” mới sẽ giúp họ cải thiện khả năng thực hiện điều này".
Ứng dụng “Bộ giải mã” được phát triển phối hợp với các nhà phát triển trò chơi để có nội dung hấp dẫn. Nội dung trò chơi yêu cầu người dùng đảm nhận vai trò của một sĩ quan tình báo được giao nhiệm vụ phá vỡ các băng đảng tội phạm toàn cầu. Trong đó người dùng có thể chọn nhân vật và cốt truyện của họ.
Để đáp ứng mục tiêu, người dùng phải xác định các tổ hợp chuỗi số khác nhau trong các nhiệm vụ nằm rải rác.
Chiến thắng mỗi nhiệm vụ có nghĩa là người dùng mở khóa các chữ cái của vị trí tội phạm tiếp theo. Điểm càng cao, càng nhiều chữ cái được tiết lộ.
Trong mỗi địa điểm, người dùng có tối đa ba nhiệm vụ được phân bổ, với độ khó của từng nhiệm vụ phù hợp với hiệu suất của người dùng trong thời gian thực.
Để định lượng kết quả của ứng dụng, các nhà nghiên cứu của Đại học Cambridge đã chia 75 thanh niên tham gia thử nghiệm có sức khoẻ tốt thành ba nhóm, trong đó một người sẽ chơi ứng dụng, chơi bingo hoặc không chơi game gì cả.
Các nhóm phải chơi trò chơi đã được giám sát trong tám phiên kéo dài một giờ trong suốt một tháng.
Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục kiểm tra sau khi kết thúc thử nghiệm với một thử nghiệm xử lý thông tin nhanh về thần kinh do Cambridge phát triển. Đây là một thử nghiệm được đề xuất để đánh giá chức năng nhận thức đối với những người mắc bệnh Alzheimer, trầm cảm, tâm thần phân liệt và các bệnh thần kinh khác.
Thử nghiệm trên màn hình sẽ cho thấy một hộp màu trắng ở giữa có các chữ số từ hai đến chín xuất hiện theo thứ tự ngẫu nhiên với tốc độ 100 chữ số mỗi phút.
Những người tham gia thử nghiệm được yêu cầu phát hiện các chuỗi chữ số chẳng hạn như 2-4 hoặc 6-8. Sau đó nhấn nút một lần được phát hiện nhanh nhất có thể và nhiều chuỗi có thể xuất hiện cùng một lúc.
Các nhà nghiên cứu cũng cẩn thận để đảm bảo rằng việc cải thiện chú ý ở những người tham gia thử nghiệm không bị phân tâm.
Để đo lường điều này, họ đã cho những người tham gia thực hiện thêm bài kiểm tra có tên Trail Making, một bài kiểm tra về thần kinh học giúp người tham gia kết nối 25 điểm không tuần tự càng nhanh càng tốt.
"Điều quan trọng đó là việc rèn luyện sự chú ý, tập trung bền vững không làm giảm hiệu suất trong thử nghiệm tạo đường mòn. Thật vậy, trò chơi cũng có tác dụng có lợi đối với hình thức chú ý này", các nhà nghiên cứu nhận định.
Tiến sĩ Tejal Shah, một nhà nghiên cứu của Đại học Macquarie, cho biết, các thử nghiệm tiếp theo sẽ cần phải tạo các điều kiện như trong "thế giới thực" để hiểu rõ hơn về sự phân tâm.
"Mặc dù nghiên cứu Cambridge chắc chắn đáp ứng tiêu chuẩn vàng về thiết kế thử nghiệm lâm sàng. Trong đó có thiết kế kiểm soát ngẫu nhiên và nó đã sử dụng hai loại kiểm soát: Nhóm kiểm soát chủ động và thụ động, nhưng sẽ tốt hơn nếu phát hiện của nó được xác nhận bởi các nghiên cứu hệ lớn hơn và các nghiên cứu độc lập”, tiến sĩ Tejal Shah cho biết.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Cambridge hiện tại hi vọng ứng dụng của họ sớm được đưa vào thực tế và có thể hỗ trợ những người mắc chứng rối loạn thần kinh mãn tính.
Minh Long (Theo ABC)