1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

TS Lê Đăng Doanh: Xóa cơ chế “xin-cho” để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới KH&CN

(Dân trí) - TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định: “Chừng nào thể chế kinh tế và cơ chế “xin-cho” chưa thay đổi thì chỉ có rất ít doanh nghiệp chịu áp lực cạnh tranh mới đầu tư vào khoa học công nghệ và nâng cao nguồn nhân lực.”

Cũng theo TS Doanh, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam gặp khó khăn trong việc vận dụng KH&CN và đổi mới trong sản xuất kinh doanh. Có nhiều lý do dẫn đến hạn chế và yếu kém này.

Trước hết, 95% doanh nghiệp của Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, chỉ hướng tới một mảng thị trường rất hạn chế. Vì vậy, họ không có năng lực kinh tế và cũng không phát hiện ra nhu cầu phải cải tiến để cạnh tranh. Một số chủ doanh nghiệp chưa được đào tạo, kinh doanh dựa trên kinh nghiệm, không chịu đổi mới, thậm chí thù ghét sự đổi mới, coi đó là đi ngược lại truyền thống của ông cha để lại.


TS Lê Đăng Doanh trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Dân trí về Đổi mới sáng tạo KH&CN - Yếu tố sống còn của phát triển

TS Lê Đăng Doanh trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Dân trí về "Đổi mới sáng tạo KH&CN - Yếu tố sống còn của phát triển"

“Để có thể vận dụng tiến bộ KH&CN, các doanh nghiệp cần liên kết lại, tạo ra một doanh nghiệp có quy mô “tới hạn” để có thể tham gia kinh doanh cạnh tranh trong thị trường khu vực. Ví dụ, một doanh nghiệp nuôi một triệu con gà có thể ký hợp đồng cung ứng thức ăn gia súc trực tiếp với nhà máy thức ăn gia súc, chi phí đầu vào có thể giảm ít nhất 5%. Trong khi đó, những doanh nghiệp nuôi gà nhỏ vẫn phải mua thức ăn gia súc qua nhiều tầng thương lái với chi phí cao và chất lượng không đảm bảo. Những doanh nghiệp này nên liên kết với nhau.

Những doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần nhanh chóng tham gia chuối giá trị bằng cách liên kết dài hạn với các đối tác quốc tế nhập khẩu hàng của mình, được các đối tác đó thông tin, hỗ trợ về chất lượng, mẫu mã, hỗ trợ khi có tranh chấp pháp lý” – TS Doanh hiến kế cho các doanh nghiệp

Trong khi đó, TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN lại cho rằng: Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và phát triển sâu rộng. Để thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện hạn chế về lao động và vốn, theo các chuyên gia Việt Nam cần hướng tới tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực KH&CN.

“Nếu như chúng ta không có công tác truyền thông tốt mà cứ để cho doanh nghiệp “bình chân như vại” như hiện nay thì chắc chắn khi TPP và FTA có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đỗ vỡ hàng loạt. Bởi thời điểm này, hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ và lúc đó sự cạnh tranh về chất lượng sẽ rất khốc liệt.” – TS Nguyễn Quân nói.

Vấn đề doanh nghiệp cần đổi mới KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng, sự cạnh tranh… từng được lãnh đạo Đảng và Nhà nước “kêu gọi” không ít lần. Song trên thực tế, khi triển khai thì nhiều doanh nghiệp lại “than thở” cho rằng khó khăn, đặc biệt là thiếu nguồn tài chính. Tuy nhiên với sự ra đời của nhiều dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ĐMST) sẽ là tiền đề để giải quyết bài toán này.

Cần phải biết tận dụng để đổi mới mạnh mẽ

Gần đây, Bộ KH&CN đã ban hành và phối hợp thực hiện nhiều dự án để thúc đẩy tiến bộ KH&CN, như các quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, các Chương trình KH&CN quốc gia… Các chương trình và các quỹ đó đã phát huy tác dụng tích cực, đã thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp với các viện khoa học và các trường đại học, đã thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học trong và ngoài nước, và đã đem lại nhiều tiến bộ về vận dụng KH&CN hiện đại trong nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, vận dụng CNTT…

Ông Nguyễn Thế Truyện - Viện trưởng Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (VIELINA) cho rằng, việc tiếp cận được với các dự án là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ thực hiện đổi mới sáng tạo. Không chỉ là vấn đề được hỗ trợ chi phí mà quan trọng hơn đó là cơ hội để chúng ta thực hiện các đề xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, bởi vì đề xuất sẽ được tổ chuyên gia quốc tế chấm và đánh giá.

“Đó là một quy trình đánh giá rất bài bản, minh bạch, rõ ràng, không có sự thiên vị, nên nếu đề xuất được phê duyệt thì trình độ viết dự án của cán bộ cũng sẽ được nâng lên.” –Viện trưởng Truyện chia sẻ.


Theo ông Trần Quốc Thắng - Giám đốc Ban quản lý dự án FIRST thì các dự án hiện nay là công khai, minh bạch...thủ tục hành chính đơn giản tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp cũng như tổ chức, cá nhân

Theo ông Trần Quốc Thắng - Giám đốc Ban quản lý dự án FIRST thì các dự án hiện nay là công khai, minh bạch...thủ tục hành chính đơn giản tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp cũng như tổ chức, cá nhân

Trước thông tin dư luận cho rằng, việc tiếp cận với các dự án không phải dễ ràng, thủ tục hành chính khá phức tạp… ông Trần Quốc Thắng – Giám đốc Ban quản lý Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (Dự án FIRST) cho hay: Mục tiêu chung của các dự án ĐMST hiện nay đó là Bộ KH&CN đang thực hiện và hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế là nâng cao hiệu quả hoạt động ĐMST tại Việt Nam, hoàn thiện và tăng cường năng lực của hệ thống ĐMST quốc gia. Hay nói cách khác là tăng cường liên kết. Có ba chủ thể trong hệ thống ĐMST quốc gia: Cơ quan nhà nước, nơi xây dựng những cơ chế chính sách để thúc đẩy, tạo động lực kết nối giữa các viện, trường, nơi tạo ra tri thức với các doanh nghiệp nơi sử dụng trí thức. Ba chủ thể đó phải có một sự kết hợp hài hòa và tạo động lực để cho mối quan hệ liên kết giữa nơi sản sinh ra tri thức và nơi sử dụng tri thức một cách hiệu quả nhất. Tất cả các dự án kể cả dự án FIRST đều tập trung tác động vào tương tác giữa ba chủ thể này.

“Được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới , phương thức tài trợ ĐMST của FIRST đã tiệm cận với phương thức tài trợ quốc tế. Điều đó thể hiện rõ nhất thông qua việc thông báo, xét duyệt và tuyển chọn các đơn vị thụ hưởng của dự án. Tất cả các quy trình đều công khai, minh bạch và tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Các tiểu dự án do FIRST tài trợ đều xuất phát từ nhu cầu ĐMST thực tế, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và tạo động lực cho đổi mới sáng tạo.” – Ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, Để đẩy mạnh ĐMST ở doanh nghiệp dứt khoát phải cần sự vào cuộc quyết liệt của các bên có vai trò thiết yếu, trước hết là bản thân doanh nghiệp với vai trò trung tâm của ĐMST, tiếp đến là tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cần thiết cho doanh nghiệp (trường đại học, cao đẳng, trung học nghề) cùng các thiết chế hỗ trợ khác như ngân hàng thương mại, các quỹ hỗ trợ.

“Doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt các tín hiệu của thị trường, nhạy bén với chuỗi giá trị, sản phẩm chủ lực hữu quan trên thị trường trong nước và thế giới, từ đó chủ động thu hút, huy động sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tín dụng để hình thành sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả hướng đến tạo ra và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường” – ông Thắng đưa ra lời khuyên.

S.H