1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Trung Quốc tìm ra cấu trúc magma bí ẩn bên dưới Mặt Trăng

Minh Khôi

(Dân trí) - Mẫu vật thu được từ tàu Hằng Nga 6 (Chang'e-6) mang đến những hiểu biết quan trọng về hoạt động địa chất diễn ra bên trong Mặt Trăng.

Trung Quốc tìm ra cấu trúc magma bí ẩn bên dưới Mặt Trăng - 1

Nhiệm vụ Hằng Nga 6 đánh dấu lần đầu tiên nhân loại thu thập thành công các mẫu vật ở phía xa (hay nửa tối) của Mặt Trăng (Ảnh: CNSA).

Trong một báo cáo mới đây trên Tạp chí Astrophysical Journal Letters, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong (HKU) đã công bố nghiên cứu về hoạt động của magma tại bãi đáp tàu Hằng Nga 6 và khu vực xung quanh dựa trên dữ liệu cảm biến từ xa.

Họ phát hiện ra hoạt động magma đã thâm nhập và lan rộng trong lưu vực có tên gọi Cực Nam-Aitken (SPA), nằm tại nửa phía xa của Mặt Trăng.

Chúng xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, và chưa từng được quan sát trước đây. Tất cả những phát hiện này được thể hiện bằng dữ liệu từ cảm biến đo trọng lực và hấp thụ quang phổ trên tàu Hằng Nga 6.

Trước đó, tàu thám hiểm này nhiều khả năng cũng đã thu thập được đá plutonic trên Mặt Trăng. Đây vốn dĩ là loại đá magma đông đặc, xuất phát từ một khối nóng chảy ở độ sâu lớn, sau đó dâng lên bề mặt theo dòng phun của núi lửa.

Trung Quốc tìm ra cấu trúc magma bí ẩn bên dưới Mặt Trăng - 2

Địa điểm hạ cánh của tàu Hằng Nga 6 nằm ở phía nam lưu vực Apollo, nơi vẫn có những hoạt động địa chất chưa được khám phá (Ảnh: CNSA).

Theo giới chuyên môn, nghiên cứu đã tiết lộ sự phân bố rộng rãi và bản chất bí ẩn của quá trình hình thành đá plutonic trên Mặt Trăng. Điều này sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học để khám phá sâu hơn về nửa tối của Mặt Trăng.

Trước đó, mẫu vật do tàu Hằng Nga 5 mang về cũng phát hiện thấy các thủy tinh nhỏ nằm lẫn trong mẫu đất đá.

Điều này đã cung cấp bằng chứng không thể chối cãi về hoạt động núi lửa diễn ra trên Mặt Trăng.

Các nhà nghiên cứu cho biết nếu như hoạt động địa chất này vẫn còn xảy ra, các phi hành gia trong tương lai thậm chí có thể tận dụng để khai thác nguồn năng lượng từ chúng và phục vụ cho các hoạt động khám phá không gian.

Theo scitechdaily.com