1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Trung Quốc chen chân vào ngành du lịch vũ trụ

Minh Khôi

(Dân trí) - Công ty Trung Quốc Deep Blue Aerospace có kế hoạch bắt đầu đưa khách du lịch vũ trụ với giá vé khoảng 1,5 triệu Nhân dân tệ.

Trung Quốc chen chân vào ngành du lịch vũ trụ - 1

Quá trình hạ cánh của tầng đầu tiên của tên lửa Nebula-1, do Deep Blue chế tạo, trong cuộc thử nghiệm tại Sa mạc Gobi, ngày 22/9 (Ảnh: Deep Blue Aerospace).

Deep Blue, công ty có trụ sở tại tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, đã công bố vào ngày 24/10 rằng họ dự định bắt đầu đưa hành khách vào không gian cận quỹ đạo từ năm 2027.

Giá vé cho mỗi chuyến bay này là 1,5 triệu Nhân dân tệ, tương đương khoảng 5,3 tỷ đồng theo tỷ giá hối đoái hiện tại.

"Với mức giá đó, hành khách sẽ nhận được nhiều hơn một trải nghiệm không trọng lượng ngắn ngủi", Deep Blue viết trong một bài đăng. "Đó là trải nghiệm sự bao la và bí ẩn của vũ trụ, cũng như quan sát cảnh quan ngoài Trái Đất".

Deep Blue sẽ sử dụng một tổ hợp tên lửa-tàu vũ trụ có thể tái sử dụng, tương tự như mô hình New Shepard của Blue Origin, hãng đã thực hiện tổng cộng 8 chuyến bay có người lái vào cận quỹ đạo.

Hệ thống này bao gồm một tên lửa quỹ đạo có thể tái sử dụng, mang tên Nebula-1, hiện đang trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm.

"Mô hình kết hợp giữa tàu vũ trụ và tên lửa sẽ trải qua hàng chục cuộc thử nghiệm vào năm 2026 để đảm bảo tính an toàn và độ tin cậy. Chúng tôi chính thức bắt đầu thương mại hóa các chuyến du hành cận quỹ đạo vào năm 2027", đại diện của Deep Blue cho biết.

Với động thái này, Deep Blue trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên tuyên bố tham gia vào ngành du lịch vũ trụ, vốn là "cuộc đua tay ba" giữa SpaceX, Blue Origin, và Virgin Galactic.

Điều này cũng cho thấy tiềm lực của Trung Quốc trong ngành hàng không vũ trụ có thể sẽ phá vỡ thế độc tôn của Mỹ trong tương lai không xa.

Deep Blue Aerospace không phải là công ty Trung Quốc duy nhất cho thấy nỗ lực tìm kiếm chỗ đứng trong thị trường du lịch vũ trụ.

CAS Space, một công ty tách từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cũng đang nghiên cứu một phương tiện cận quỹ đạo có người lái của riêng mình, và có thể đi vào hoạt động trong vài năm nữa, nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch.

Theo www.space.com