Tròn 50 năm sứ mệnh Apollo 16 đưa con người lên Mặt Trăng
(Dân trí) - Apollo 16 là sứ mệnh thứ 10 có sự góp mặt của phi hành đoàn, và là sứ mệnh thứ 5 đưa con người hạ cánh lên Mặt Trăng.
Sứ mệnh lịch sử
Ngày 16/4/1972, sứ mệnh đổ bộ lên Mặt Trăng lần thứ 5 bắt đầu với sự kiện phóng tàu Apollo 16 của NASA. Khi ấy, tên lửa Saturn V cất cánh từ bệ phóng 39A tại Trung tâm Không gian Kennedy của NASA ở Florida (Mỹ) với bên trong viên nang là 3 người, gồm Chỉ huy trưởng John W. Young và 2 phi công là Thomas K. "Ken" Mattingly, Charles M. Duke.
Giai đoạn đầu, tên lửa được đốt cháy trong 2 phút 42 giây, giúp nâng độ cao lên khoảng 64 km. Lúc này, giai đoạn thứ 2 được kích hoạt, kéo dài 9 phút 20 giây, nhằm cung cấp đủ năng lượng cho quá trình để đưa tàu vũ trụ gần lên quỹ đạo. Sau khi tên lửa đẩy đưa phi hành đoàn vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp, giai đoạn thứ 3 được kích hoạt để đưa họ lên đường tới Mặt Trăng, với vận tốc trung bình xấp xỉ 39.000 km/h.
Tàu vũ trụ Apollo 16 đã di chuyển trong khoảng 3 ngày, đưa Young, Mattingly và Duke theo đúng lịch trình đến quỹ đạo Mặt Trăng vào ngày 19/4, và sẵn sàng cho cuộc đổ bộ, thăm dò địa chất.
Được biết, Apollo 16 là sứ mệnh không gian đánh dấu lần đầu tiên hạ cánh xuống khu vực cao nguyên. NASA khi ấy đã chế tạo một chiếc xe hoàn toàn mới cho nhiệm vụ này, có tên là Lunar Roving Vehicle (LRV).
Sau khi đáp xuống Mặt trăng, 2 phi hành gia John Young và Charles Duke đã lái chiếc LRV tổng cộng khoảng 3,5 tiếng, vượt qua quãng đường dài hơn 26 km. Đây cũng là phương tiện di chuyển thứ 2 được sản xuất và sử dụng trên Mặt Trăng.
Trên bề mặt Mặt Trăng, Young và Duke đã thu thập tổng cộng 95,8 kg mẫu đất đá tại đây để đưa về Trái Đất, trong khi Ken Mattingly phụ trách điều khiển và quan sát tại mô-đun.
Cú nhảy suýt chết của Duke
Tại một buổi gặp mặt với các phi hành gia tại New York, Charlie Duke, người nhận nhiệm vụ điều khiển mô-đun hạ cánh tại Mặt Trăng trong nhiệm vụ Apollo 16, đã kể về trải nghiệm theo ông được coi là đáng sợ nhất của đời mình.
Duke cho biết rằng vào những phút cuối còn lại trên Mặt Trăng, trước khi tiến vào tàu trở về Trái Đất, ông và chỉ huy trưởng John Young đã quyết định thử nhảy cao, nhằm "đánh bại" một vài thành tích của các vận động viên trên Trái Đất. Trên lý thuyết, việc này là hoàn toàn có thể, do trọng lực của Mặt Trăng chỉ bằng 1 phần 6 so với Trái Đất.
Thực tế, theo lời kể của Duke, ông đã có thể đạt tới độ cao khoảng 1,2 mét sau một lần nhún. Thế nhưng khi ông duỗi thẳng người ra trên không trung, mọi chuyện bắt đầu diễn biến theo chiều hướng xấu.
Do bộ quần áo của phi hành gia quá cồng kềnh, và phần lớn cân nặng của nó nằm tại ba lô đeo sau lưng, nên Duke đã bị kéo ngửa ra sau khi ông lơ lửng trên không trung, khiến ông vô cùng hoảng sợ.
"Chiếc ba lô nặng gần bằng chính cơ thể tôi, đã khiến tôi đã bị mất đà", Duke kể lại. "Cái ba lô làm từ sợi thủy tinh, chứa đựng tất cả thiết bị hỗ trợ sự sống cho tôi. Chỉ cần nó hỏng là tôi cũng sẽ chết".
Khi ấy, Duke đã cố nghiêng sang phải để có thể cản cú tiếp đất nhưng vẫn ngã đè lên chiếc ba lô - hay còn được gọi là PLSS, một loại thiết bị dưỡng sinh.
Nếu như cú tiếp đất làm hỏng thiết bị này hoặc xé rách bộ quần áo, nó sẽ tạo ra một hiện tượng "xì khí", hay chính là việc mất oxy để thở. Điều này có thể khiến cho phi hành gia bất tỉnh và thậm chí giết chết họ trước khi bất kỳ ai khác có thể kịp kéo nạn nhân kịp về mô-đun, sau đó đóng khóa van và cân bằng dưỡng khí trong tàu.
"Tim tôi đập loạn xạ không ngừng. John Young, chỉ huy của tôi, đã tới và nói rằng 'Đó là một quyết định không thông minh đâu Charlie", Duke kể lại.
Trở về Trái Đất
Vào ngày 24/4, Young và Duke thành công quay trở lại mô-đun Chỉ huy, chuẩn bị cho chuyến trở lại Trái Đất. Sau khoảng 6 phút cất cánh, tàu vũ trụ đưa 3 phi hành gia tiến đến quỹ đạo của Mặt Trăng.
Trong hành trình trở về, Ken Mattingly đã kịp để lại dấu ấn với chuyến đi bộ ngoài không gian (hay còn gọi là EVA) với việc quay lại những thước phim từ bên ngoài tàu vũ trụ, kéo dài 83 phút, với sự hỗ trợ từ Duke.
Đó là thước phim không gian thứ 2 trong lịch sử, được thực hiện ở khoảng cách xa nhất so với bất kỳ ghi chép nào (khoảng 320.000 km từ Trái Đất). Tính đến năm 2022, chỉ có 3 đoạn EVA tương tự được thực hiện.
Khoảng 10 phút trước khi quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất, mô-đun chỉ huy hình nón chứa 3 thành viên phi hành đoàn được tách ra khỏi mô-đun chính, đáp xuống vùng biển Thái Bình Dương lúc 3:45 chiều (theo Giờ Miền Đông) ngày 27/4/1972.
Cabin sau đó được tàu sân bay USS Ticonderoga trục vớt lên khỏi mặt nước, đưa 3 phi hành đoàn quay trở lại an toàn, khoảng 37 phút sau khi hạ cánh, và kết thúc sứ mệnh Apollo 16 lịch sử.