Tròn 20 năm sau thảm kịch tàu con thoi Columbia

Minh Khôi

(Dân trí) - Ngày 16/1/2003, tàu Columbia rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ), khởi động chuyến đi kéo dài 16 ngày nhưng kết thúc bằng một thảm kịch khiến 7 phi hành gia thiệt mạng.

Tròn 20 năm sau thảm kịch tàu con thoi Columbia - 1

7 phi hành gia thiệt mạng trong thảm kịch tàu con thoi Columbia năm 2003 (Ảnh: NASA).

Thảm kịch tàu con thoi Columbia xảy ra cách đây tròn 20 năm, vào ngày 1/2/2003, khiến 7 phi hành gia thiệt mạng. Mặc dù đã trải qua 2 thập kỷ, song những ký ức đau thương về thảm kịch tàu con thoi Columbia vẫn khiến người ta bồi hồi mỗi khi nhớ lại.

Thảm kịch khiến 7 phi hành gia thiệt mạng

7 nhà du hành vũ trụ thiệt mạng, gồm phi hành gia đầu tiên người Israel - Ilan Ramon; nữ phi hành gia đầu tiên sinh ra ở Ấn Độ - Kalpana Chawla; Rick Husband; Willie McCool; Michael P. Anderson; Laurel B. Clark và David M. Brown.

Họ đều góp mặt trong sứ mệnh thứ 28 của NASA nhằm xây dựng Trạm vũ trụ không gian (ISS). Phương tiện đưa 7 phi hành gia lên vũ trụ là con tàu Columbia - vốn đã có 27 lần bay thành công, cùng với những công nghệ tân tiến nhất thời bấy giờ.

Ngày 16/1/2003, tàu Columbia rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ), khởi động chuyến đi kéo dài 16 ngày.

Mọi thứ tưởng như sẽ diễn ra tốt đẹp. Thế nhưng, một trục trặc trong giai đoạn trở về Trái Đất đã khiến con tàu nổ tung, và toàn bộ 7 phi hành gia thiệt mạng.

Nguyên nhân kỹ thuật chính của sự cố là do một miếng xốp cách nhiệt rơi ra từ khu vực bình chứa nhiên liệu của tàu trong quá trình khởi động.

Tròn 20 năm sau thảm kịch tàu con thoi Columbia - 2

Hơn 82.000 mảnh vỡ từ tàu con thoi được thu hồi sau khi xảy ra thảm kịch (Ảnh: NASA).

Miếng xốp này đã đập vào mép trước ở phần cánh trái của tàu Columbia, và gây ra sự cố đáng tiếc khi tàu con thoi quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất.

Vào thời điểm đó, tàu Columbia đang di chuyển với tốc độ gấp 18 lần tốc độ âm thanh và vẫn ở độ cao khoảng 61.170 mét so với mặt đất. Các đơn vị quản lý chuyến bay đã thực hiện một số nỗ lực để liên lạc với phi hành gia nhưng không thành công.

Vụ việc đã gây ra một chấn động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, cũng như khiến NASA thay đổi quan điểm sâu sắc về triết lý của mình.

Di sản của sứ mệnh

Một trong những điều khiến người ta vẫn còn phải nhắc tới sứ mệnh tàu con thoi Columbia là những di sản để lại sau chuyến bay.

Theo Pam Melroy, Phó giám đốc NASA, từ sau thảm kịch Columbia, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ đã luôn tập trung vào sự an toàn chứ không phải áp lực phóng.

"Chúng ta phải luôn nghiêm ngặt trong mọi suy nghĩ nhằm đảm bảo rằng sẽ không áp dụng tư duy nhóm để giải quyết một vấn đề phức tạp", Pam Melroy chia sẻ.

Sau tai nạn thảm khốc, NASA đã loại bỏ những chi tiết thiếu hợp lý trên tàu con thoi, như cách bố trí miếng xốp cách nhiệt, và thay thế bằng một hệ thống hoàn toàn mới. Thùng chứa bên ngoài của tàu con thoi cũng đã được thiết kế lại và các biện pháp an toàn khác được thực hiện.

Tròn 20 năm sau thảm kịch tàu con thoi Columbia - 3

Tàu con thoi Columbia cất cánh trong nhiệm vụ cuối cùng mang tên STS-107, diễn ra vào ngày 16/1/2003 (Ảnh: NASA).

Một số thí nghiệm từ chuyến bay, điển hình là thí nghiệm với nhóm giun tròn Caenorhabd, dài khoảng 1mm, không biết bằng cách nào đã sống sót trong các mảnh vỡ rơi xuống Trái Đất, và chỉ chịu một số tổn thương do nhiệt.

Hậu duệ của những con giun này đã tiếp tục bay vào vũ trụ tháng 5/2011 trên con tàu Endeavour, ngay trước khi chương trình tàu con thoi của NASA ngừng hoạt động.

Thảm kịch Columbia được công chúng tưởng nhớ hàng năm vào ngày cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2. Thật trùng hợp khi đây cũng là khoảng thời gian xảy ra sự cố với phi hành đoàn Apollo 1, cũng như tàu con thoi Challenger.

Tính đến nay, đã có tổng cộng 15 phi hành gia bị thiệt mạng từ các chuyến bay lên không gian.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm