Tro bụi núi lửa có thể gây tai nạn máy bay

(Dân trí) - Vụ phun trào của núi lửa Sinabung ngày 19/2 đã khiến chính quyền Indonesia nâng cảnh báo hàng không lên mức cao nhất. Và đây là lý do ...


(Núi lửa Sinabung phun trào ngày 19 tháng 2 trên đảo Sumatra. Ảnh: TIBTA PANGIN /AFP/Getty Images)

(Núi lửa Sinabung phun trào ngày 19 tháng 2 trên đảo Sumatra. Ảnh: TIBTA PANGIN /AFP/Getty Images)

Khi ngọn núi lửa Sinabung của Indonesia phun trào vào sáng thứ Hai vừa qua, nó thổi ra một đám mây tro bụi cao hơn 7km. Vụ phun trào đã khiến các hàng hàng không phải đưa ra cảnh báo đỏ, nhắc nhở phi công tránh xa đám mây tro bụi này.

Tro bụi núi lửa là hỗn hợp của đá vụn, khí và một khoáng chất được gọi là thủy tinh núi lửa, nó có thể bào mòn bề mặt máy bay, phá hỏng các hệ thống điều hướng cũng như liên lạc. Chín trung tâm tư vấn núi lửa trên toàn thế giới đã theo dõi vụ phun trào vừa qua, theo chuyên gia nghiên cứu Janine Krippner . “Đám mây này có thể di chuyển ra xa hàng ngàn kilomet. Vì vậy, việc theo dõi chúng trong thực tế để liên tục cảnh báo các máy bay xung quanh, là rất quan trọng.”, ông nói.

Sử dụng ảnh chụp vệ tinh, cảnh báo từ phi công và dữ liệu thu thập từ đài quan sát, các trung tâm tư vấn núi lửa đưa ra cảnh báo bằng mã màu: xanh lá cây có nghĩa là một ngọn núi lửa đang ngủ yên; màu vàng cho biết núi lửa có dấu hiệu hoạt động; màu cam là sắp chứng kiến một vụ phun trào; và màu đỏ có nghĩa là đang hoặc đã xảy ra một vụ phun trào lớn. Những cảnh báo này không hướng dẫn phi công phải làm gì - điều đó tùy thuộc vào chính sách của các hãng hàng không - họ chỉ cung cấp thông tin về quy mô và vị trí của đám mây tro bụi, cũng như nơi mà nó có thể di chuyển đến. Vào sáng thứ Ba (giờ địa phương), ảnh chụp vệ tinh cho thấy đám mây tro bụi đã tan, do đó cảnh báo được hủy bỏ.


(Kính chắn gió của một chiếc Boeing 747 bị mờ và mài mòn khi bay qua đám mây tro bụi núi lửa Redoubt ở Alaska vào năm 1989. Ảnh: USGS và Đại học Alaska Anchorage)

(Kính chắn gió của một chiếc Boeing 747 bị mờ và mài mòn khi bay qua đám mây tro bụi núi lửa Redoubt ở Alaska vào năm 1989. Ảnh: USGS và Đại học Alaska Anchorage)

Các trung tâm tư vấn núi lửa được Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế thành lập sau khi nhiều máy bay gần như tê liệt khi bay qua những đám mây tro núi lửa. Ví dụ năm 1982, hai máy bay thoát ra từ đám mây tro núi lửa Galunggung ở Indonesia đã mất nguồn điện cho động cơ và phải hạ cánh khẩn cấp . Một trong số này là chiếc Boeing 747 của Anh, rơi tự do gần 6 km trước khi phi công có thể khởi động lại ba trong số bốn động cơ chính. Sau đó vào năm 1989, một máy bay phản lực Jumbo gần như ngừng hoạt động sau khi thoát khỏi đám mây tro núi lửa Redoubt ở Alaska, cả bốn động cơ của nó đều bị ngắt mạch.

Tro núi lửa có thể gây thiệt hại cho máy bay theo nhiều cách. Một trong những trường hợp nguy hiểm nhất là keo hóa động cơ: các hạt thủy tinh nhỏ tan chảy do nhiệt từ động cơ phản lực và dính vào các bộ phận chính, cắt đứt nguồn điện cho động cơ hoặc phá hỏng nó hoàn toàn, theo báo cáo của Carina Fearnley - chuyên gia về các mối nguy hiểm tự nhiên. Khi va chạm ở tốc độ rất cao, tro bụi có thể phá hỏng ăng-ten máy bay, bào mòn và làm mờ kính chắn gió, cũng như tạo ra tĩnh điện làm nhiễu các tín hiệu liên lạc và điều hướng. Thiết bị đo tốc độ máy bay cũng có thể ngưng hoạt động nếu bị tro phủ kín.


(Nhân viên NASA cùng không quân Mỹ đang phun tro lên một động cơ máy bay C-17 để mô phỏng quá trình bay qua đám mây tro bụi núi lửa. Tro được lấy từ một ngọn núi lửa già ở bang Oregon. Ảnh: Tom Tschida/NASA AFRC)

(Nhân viên NASA cùng không quân Mỹ đang phun tro lên một động cơ máy bay C-17 để mô phỏng quá trình bay qua đám mây tro bụi núi lửa. Tro được lấy từ một ngọn núi lửa già ở bang Oregon. Ảnh: Tom Tschida/NASA AFRC)

Các nhà khoa học và kỹ sư vẫn chưa biết chính xác mức độ tro bụi như thế nào thì đủ an toàn để bay qua. Trong một thời gian dài, các hãng hàng không chỉ đạo phi công tránh bay qua bất kỳ đám mây tro bụi nào trong không khí. Nhưng sau khi hàng triệu người bị mắc kẹt và hàng tỷ USD bị thiệt hại khi núi lửa Eyjafjallajökull ở Iceland phun trào trong năm 2010, các nỗ lực tìm ra một định mức an toàn đã được khởi động, theo tờ Earth Magazine .

Theo báo cáo của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ , có khoảng 253 trường hợp bay qua đám mây tro núi lửa từ năm 1953 đến 2016, trong đó chín động cơ đã bị tê liệt nhưng không có vụ rơi máy bay nào xảy ra. Mức thiệt hại có thể do tro bụi trong mỗi ngọn núi lửa có thành phần và mật độ riêng biệt.

Ngoài ra còn có một vấn đề nữa, chuyên gia nghiên cứu Janine Krippner cho biết không phải mọi ngọn núi lửa trên thế giới đều được giám sát, vì vậy vẫn còn trường hợp vô tình bay qua đám mây tro bụi do không được cảnh báo, đặc biệt trên các núi lửa rải rác khắp Thái Bình Dương. "Nếu đang ở trên máy bay và ngửi thấy mùi lưu huỳnh, tôi sẽ phải làm gì?", cô tự hỏi.

Tùng Anh

Theo Theverge.