1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Trẻ sơ sinh có thể uống hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày từ bình bú

Trang Phạm

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Food cho thấy, trẻ sơ sinh có thể tiêu thụ hàng triệu mảnh vi nhựa đã ngấm vào sữa công thức từ bình bú.

Trẻ sơ sinh có thể uống hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày từ bình bú - 1

Mặc dù ý tưởng cho trẻ bú bình chứa đầy hạt nhựa vi sinh chắc chắn nghe có vẻ đáng lo ngại, nhưng tác động của hạt nhựa vi sinh đối với sức khỏe con người hiện vẫn chưa được hiểu rõ. Nghiên cứu này nhấn mạnh sự cần thiết phải khám phá thêm tác động của việc con người tiếp xúc với vi nhựa.

Đối với nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu từ trường Cao đẳng Trinity Dublin ở Ireland đã mua 10 loại bình sữa cho trẻ sơ sinh từ Amazon và nghiên cứu số lượng các hạt vi nhựa được giải phóng trong khi tuân thủ các kỹ thuật tiệt trùng và pha sữa theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.

Tất cả các chai được nghiên cứu đều được làm hoàn toàn hoặc một phần bằng polypropylene, một trong những loại nhựa được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới để chế biến và bảo quản thực phẩm.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng từ 1,3 đến 16,2 triệu hạt vi nhựa trong một lít được giải phóng bởi các chai trong quá trình khử trùng.

Tiếp xúc với nước nóng, chẳng hạn như sử dụng nước đun sôi để khử trùng trực tiếp chai nhựa, cũng được phát hiện là làm tăng đáng kể số lượng vi nhựa trong chất lỏng của chai. Số lượng vi nhựa được giải phóng đã tăng từ 0,6 triệu lên 55 triệu hạt khi nhiệt độ tăng từ 25 độ C trong nhiệt độ phòng lên 95 độ C. Các nhà nghiên cứu tiếp tục kiểm tra các chai tương tự trong 21 ngày sau đó và nhận được nhiều kết quả không mấy khả quan.

Nhóm nghiên cứu đã theo dõi bằng cách ước tính mức độ tiếp xúc với vi nhựa đối với trẻ sơ sinh 12 tháng tuổi ở các vùng khác nhau trên thế giới dựa trên các yếu tố như loại bình sữa được sử dụng, lượng sữa trung bình hàng ngày và tỷ lệ cho con bú.

Kết luận được đưa ra cho thấy rằng trẻ sơ sinh ở châu Phi và châu Á có khả năng phơi nhiễm thấp nhất, trong khi trẻ sơ sinh ở châu Đại dương, khu vực Bắc Mỹ và châu Âu có khả năng phơi nhiễm cao nhất.

Dựa trên những phát hiện này, các nhà nghiên cứu còn đưa ra một số lời khuyên có thể giảm thiểu số lượng hạt vi nhựa thải ra trong bình bú. Cụ thể, bạn không nên hâm nóng sữa công thức đã pha trong hộp nhựa và tránh dùng lò vi sóng.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng khuyên mọi người nên chuẩn bị sữa công thức cho trẻ sơ sinh trong hộp không phải bằng nhựa, sử dụng nước được làm nóng đến ít nhất 70 độ C. Làm nguội dung dịch này đến nhiệt độ phòng sau đó chuyển sữa công thức đã chuẩn bị vào bình sữa nhựa chất lượng cao cho trẻ sơ sinh.

Đối với mục đích khử trùng, bạn nên chuẩn bị nước đã khử trùng bằng cách đun sôi trong một ấm đun nước không bằng nhựa chẳng hạn như thủy tinh hoặc thép không gỉ và tráng chai đã khử trùng bằng nước tiệt trùng ở nhiệt độ phòng ít nhất ba lần.

Có những điều quan trọng cần xem xét khi đọc về nghiên cứu này. Các tác động của vi nhựa đối với sức khỏe con người chưa được khoa học hiểu hoàn toàn và bằng chứng rộng rãi hơn cho độc tính của vi nhựa trong thực phẩm của con người cũng khá ít ỏi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện cho biết không có bằng chứng cho thấy mối quan tâm về sức khỏe con người với vi nhựa trong nước uống, mặc dù lưu ý rằng điều này dựa trên số lượng thông tin hạn chế hiện có.

Bản thân các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng nghiên cứu không xác định bất kỳ tác động nào đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và họ không muốn báo động cho các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, nghiên cứu là một trường hợp mạnh mẽ để nghiên cứu sâu hơn về một lĩnh vực đang bị thiếu đáng kể hiện nay.

"Những phát hiện mới này thoạt nghe có vẻ khá đáng sợ, nhưng chúng ta nên lưu ý rằng nghiên cứu chỉ xem xét khả năng tiếp xúc vi nhựa, nó không xem xét các tác động tiềm ẩn của việc tiếp xúc như vậy. Chúng tôi thực sự biết rất ít về các tác động. Mặc dù vậy, nghiên cứu này là một mảnh ghép khác của câu đố minh họa rằng vấn đề vi nhựa có thể lớn hơn nhiều so với chúng ta nghĩ. Vấn đề này là điều chúng ta cần bắt đầu thực sự nắm bắt sớm hơn là muộn hơn”, giáo sư Oliver Jones, từ Đại học RMIT ở Melbourne, Úc, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.