Tranh cãi về tên khoa học của cụ rùa Hồ Gươm
Điều phối viên Chương trình rùa châu Á nói rằng, ông rất ngạc nhiên trước thông tin kết quả giám định ADN cho thấy rùa Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) thuộc giống khác rùa Đồng Mô và hai con rùa mai mềm Rafetus swinhoei ở miền nam Trung Quốc...
Trao đổi với phóng viên, ông Tim McCormack, Điều phối viên Chương trình rùa châu Á, nói rằng, ông rất ngạc nhiên trước thông tin kết quả giám định ADN cho thấy rùa Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) thuộc giống khác rùa Đồng Mô và hai con rùa mai mềm Rafetus swinhoei ở miền nam Trung Quốc, trong khi chúng đều sống trên một hệ thống sông.
Ông McCormack nói rằng, trước tiên cần có kết quả ADN của rùa Đồng Mô và hai con rùa ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) thì mới so sánh được chúng có cùng loài hay không.
Theo ông McCormack, thông tin về rùa Hoàn Kiếm mà TS. Lê Trần Bình và đồng nghiệp gửi tới kho dữ liệu về bò sát của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vẫn chưa đầy đủ. Điều này được khẳng định ngay trên trang web của IUCN: “Mô tả về loài vẫn còn mơ hồ, nên tình trạng loài vẫn gây tranh cãi và quá trình xác nhận vẫn đang tiếp tục. Tạm thời gọi loài này là Rafetus vietnamensis”.
Theo thông tin đăng tải trên kho dữ liệu bò sát, rùa Hoàn Kiếm được mô tả như sau: “Đây là rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ, khác tất cả các giống đã được mô tả về kích thước cơ thể, điều kiện sống, ngoại hình, hình thái hộp sọ và chuỗi ADN. Phán đoán dựa trên đặc điểm nhận dạng, căn cứ vào các đặc điểm cụ thể về xương sọ rộng và tù, khung hàm trên tù và cong, kích thước cơ thể lớn, môi trường sống và đặc biệt là so sánh chuỗi gen” (Lê Trần Bình và đồng nghiệp, năm 2010).
“Với vai trò là một tổ chức khoa học, chúng tôi không thể thay đổi tên gọi của rùa Hoàn Kiếm cho đến khi tên đó được cộng đồng quốc tế công nhận”, ông McCormack nói.
Theo ông McCormack, sau khi mô tả động, thực vật đó (kể cả xét nghiệm ADN nếu cần), toàn bộ báo cáo mô tả đó chứng minh về một loài mới rất cần được công bố ở một tạp chí quốc tế có uy tín.
“Bất kể mô tả về loài mới nào cần được công bố cùng với bằng chứng nghiên cứu để các chuyên gia cùng ngành xem xét. Không có gì là bất thường khi nhiều người bất đồng với kết quả nghiên cứu vì họ có thể sử dụng phương pháp nghiên cứu khác nhau, giải thích kết quả khác nhau, dẫn đến khẳng định các mẫu thuộc loài khác nhau. Một giải pháp hữu hiệu là cung cấp mẫu cho những phòng thí nghiệm khác cùng thực hiện phân tích. Nếu kết quả là đúng thì tất cả các phòng thí nghiệm sẽ cùng đưa ra một kết luận”, ông McCormack nói.
“Ghép đôi” rùa hiếm
Ông McCormack cho biết, trên thế giới từng có trường hợp “ghép đôi” thành rùa hiếm duy nhất với họ hàng gần. Đó là trường hợp của rùa Lonesome George (còn gọi là Rùa lớn Pinta) ở đảo Abingdon, quần đảo Galápagos của Ecudador. Giống rùa này gần như bị tuyệt chủng hoàn toàn, và Lonesome George là cá thể cuối cùng của giống này được tìm thấy năm 1972.
Sau khi được tìm thấy, Lonesome George được đưa vào nuôi nhốt tại Trạm nghiên cứu Charles Darwin ở đảo Santa Cruz (Mỹ) để chờ con cái giao phối. Nhưng điều này không thực hiện được nên rùa Pinta được IUCN liệt vào danh sách đỏ các loài bị đe dọa tuyệt chủng. Giống rùa này bị coi là tuyệt chủng hoàn toàn khi Lonesome George chết vào tháng 6/2012.
Nghiên cứu thực địa tiến hành ở quần đảo Galápagos cho thấy một số ít giống rùa trên đảo Albemarle (cũng thuộc Galápagos) mang một nửa kiểu gene giống gene của Lonesome George.
Theo Trúc Quỳnh
Tiền Phong