Trải nghiệm của người tự giam mình 500 ngày trong hang động

Minh Khôi

(Dân trí) - Một người phụ nữ đã trải qua 500 ngày bị cô lập trong hang động, khiến cảm giác về thời gian của cô hoàn toàn bị xáo trộn.

Trải nghiệm của người tự giam mình 500 ngày trong hang động - 1

Giam mình trong hang động tối là thử thách không phải ai cũng dám làm (Ảnh: Getty).

Giam mình trong hang động suốt hơn 1 năm rưỡi có vẻ sẽ là cơn ác mộng đối với nhiều người, nhưng với Beatriz Flamini - một vận động viên người Tây Ban Nha, đây lại là nguồn cảm hứng để cô hoàn thành cuốn sách của mình.

Hành trình của Flamini bắt đầu từ ngày 21/11/2021. Lúc bấy giờ, thế giới vẫn đang trải qua đại dịch Covid-19. Flamini quyết định nhân cơ hội này để bỏ lại nền văn minh phía sau, cũng như tách rời khỏi cuộc sống hiện đại và áp lực xã hội.

Cô chọn một hang động nằm dưới lòng đất ở vùng ngoại ô vùng Granada phía Nam, Tây Ban Nha, cùng những tư trang cần thiết bao gồm thực phẩm, đồ dùng cá nhân... và bắt đầu giam mình tại đây. 

Nhờ sự kỷ luật và tập trung cao độ, Flamini hiện được cho là đã phá kỷ lục về thời gian ở trong hang động một mình lâu nhất thế giới.

Cảm giác về thời gian biến mất

Trong suốt thử thách kéo dài 500 ngày, Flamini đã ghi lại trải nghiệm của bản thân, nhằm giúp các nhà khoa học hiểu được những tác động từ sự cô lập mà một người có thể hứng chịu.

Flamini kể lại, điều đầu tiên mà cô cảm nhận thấy đó là đánh mất hoàn toàn cảm giác về thời gian. Ngay cả khi nhóm hỗ trợ đến và đưa Flamini rời khỏi hang, cô vẫn nghĩ rằng mình mới chỉ ở trong đó khoảng nửa năm.

Trải nghiệm của người tự giam mình 500 ngày trong hang động - 2

Ánh sáng phát ra trong hang động là từ chiếc đèn pin gắn trên mũ của Flamini và một số nguồn phụ trợ khác, giúp cô duy trì cuộc sống thường ngày (Ảnh: Flamini).

Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng đối với hầu hết chúng ta, hình ảnh Mặt Trời mọc lên vào buổi sáng, và lặn vào cuối ngày, đánh dấu thời gian trôi qua.

Cùng với đó, công việc và thói quen xã hội cũng đóng những vai trò nhất định để ta biết rằng dòng chảy thời gian vẫn chưa bị ngưng lại.

Tuy nhiên trong bóng tối của hang động, cũng như không có sự hiện diện của những người đồng hành, nhiều tín hiệu về thời gian trôi qua sẽ biến mất. Ánh sáng được sử dụng phát ra từ chiếc đèn pin gắn trên mũ của Flamini và một số nguồn phụ trợ khác, giúp cô duy trì cuộc sống thường ngày.

Việc mất đi cảm nhận ánh sáng tự nhiên có thể đã khiến Flamini trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các quá trình tâm lý để theo dõi thời gian. Một trong số đó là trí nhớ của cô với những công việc, thói quen, nếp sinh hoạt thường ngày...

Trải nghiệm của người tự giam mình 500 ngày trong hang động - 3

Beatriz Flamini rời khỏi hang động Los Gauchos, gần thành phố Granada, Tây Ban Nha vào ngày 14/4/2023 (Ảnh: AFP).

Dẫu vậy, song song với đó, Flamini cũng hình thành một cuộc sống mới và nhịp độ mới. Tại một nơi hoàn toàn không phụ thuộc vào thế giới bên ngoài, Flamini có thể sống theo nhịp độ của bản thân, cô ăn, ngủ, và đọc sách bất cứ khi nào mình thích. Ngoài ra, cô cũng vẽ tranh, tập thể dục và ghi lại những trải nghiệm của mình.

Chính nhịp điệu sinh học này đã thay thế hoàn toàn cho khái niệm cơ bản vốn có của thời gian, với kim đồng hồ là thước đo mà ai cũng dựa theo. "Flamini có thể chỉ đơn giản là ngày càng ít chú ý đến thời gian trôi qua, khiến cô cuối cùng mất dấu nó", các chuyên gia lý giải.

Ngày 12/4/2023, Flamini rời khỏi hang động để về với cuộc sống bình thường. Cô cho biết điều đầu tiên mình cảm nhận thấy, đó là sự tồn tại của thời gian bắt đầu quay trở lại.

Thử thách không dành cho người yếu tim

Trải nghiệm của người tự giam mình 500 ngày trong hang động - 4

Flamini (phải) ôm một người thân sau khi tự giam mình 500 ngày trong hang (Ảnh: AFP).

Việc bỏ lại nền văn minh phía sau để có được sự tự do tuyệt đối như Flamini có lẽ sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng thử thách giam mình trong hang động chắc chắn không dành cho những người yếu tim.

Đó là bởi sẽ có vô vàn yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý của con người, như sự cô đơn, lo lắng, sợ hãi... khiến bạn dễ dàng mất bình tĩnh và bỏ cuộc.

Trước khi thực hiện thử thách, Flamini không quên dặn dò những người trong nhóm của cô trên mặt đất rằng không được liên lạc với cô trong bất cứ trường hợp nào, kể cả khi người thân của cô qua đời. Flamini muốn tôn trọng những quy tắc mình đặt ra.

Cách duy nhất để cô thoát khỏi thử thách là nhấn vào một nút báo động để được hỗ trợ khẩn cấp nhằm quay trở lại mặt đất. Lúc này, chỉ có nghị lực, và khả năng phục hồi tinh thần ở mức độ cao, mới có thể giúp một người sống sót thành công trong điều kiện khắc nghiệt.

Kết thúc hành trình, Flamini đã đọc tổng cộng 60 cuốn sách, uống hơn 1.000 lít nước. Cô tận dụng những thực phẩm mang theo như trái cây, trứng... và sử dụng quần áo mà nhóm đã cung cấp cho cuộc hành trình dài ngày này. Cô cũng không thể tắm rửa trong suốt quá trình 500 ngày.

Tất nhiên, Flamini không phải là người đầu tiên trải nghiệm thấy sự thay đổi về thời gian khi thay đổi môi trường sống.

Những điều tương tự đã được ghi lại bởi nhà khoa học người Pháp Michel Siffre khi ông thực hiện các chuyến thám hiểm hang động kéo dài từ 2 đến 6 tháng vào những năm 1960, 1970.

Cảm nhận tương tự đôi khi cũng xảy ra với những tù nhân bị giam giữ bên trong các nhà ngục tối, khiến họ đánh mất hoàn toàn ý thức về thời gian.