1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Trái đất đang có nguy cơ hứng chịu "bão Mặt trời" tốc độ 2,1 triệu km/h

Minh Khôi

(Dân trí) - Một lỗ hổng lớn xuất hiện trên bề mặt bầu khí quyển của Mặt trời có thể gây ảnh hưởng nhất định tới Trái đất, các nhà khoa học cảnh báo.

Trái đất đang có nguy cơ hứng chịu bão Mặt trời tốc độ 2,1 triệu km/h - 1

Các nhà thiên văn học gần đây đã lên tiếng cảnh báo về một lỗ hổng lớn xuất hiện trên bề mặt bầu khí quyển của Mặt trời, gần vùng xích đạo. Cách đây ít ngày, tàu vũ trụ Solar Orbiter của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cũng đã ghi lại cảnh phun trào cực mạnh từ Mặt trời.

Hiện tượng khiến những dòng hạt điện tích phóng ra từ ngôi sao này với tốc độ cực cao (hay còn gọi là "bão Mặt trời"), ước tính lên tới 600 km/giây, tức tương đương 2,1 triệu km/h, ảnh hưởng tới những hành tinh trong hệ Mặt trời. Điều không may là Trái đất lại nằm ngay trong đường đi của dòng hạt này.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cơn bão Mặt trời dữ dội này có thể gây ảnh hưởng tới thời tiết trên Trái đất, trong đó rõ rệt nhất là hiện tượng cực quang.

"Trái đất nằm trong một luồng gió Mặt trời chạy gần 600 km/s từ một lỗ hổng trên xích đạo trong bầu khí quyển của Mặt trời", Tiến sĩ Tony Philips viết trên blog cá nhân. "Những người quan sát bầu trời ở vĩ độ cao nên cảnh giác với hiện tượng cực quang, đặc biệt là ở Nam bán cầu".

Bên cạnh đó, "bão Mặt trời" còn có thể đốt nóng bầu khí quyển bên ngoài Trái đất, khiến chúng giãn nở, ảnh hưởng đến hoạt động của các vệ tinh trên quỹ đạo. Trong trường hợp xấu nhất, hiện tượng này có thể khiến định vị GPS, tín hiệu điện thoại di động và truyền hình vệ tinh bị ảnh hưởng, nhiễu loạn, hoặc yếu đi.

Sự gia tăng các hạt điện tích từ Mặt trời cũng có thể dẫn đến dòng điện cao hơn trong từ quyển. Hệ quả dễ bắt gặp của nó là điện năng cao hơn mức bình thường trong các đường dây điện, dẫn đến nguy cơ nổ máy biến áp, trạm phát điện và mất điện diện rộng.

Trái đất đang có nguy cơ hứng chịu bão Mặt trời tốc độ 2,1 triệu km/h - 2

Hiện tượng cực quang báo hiệu Trái đất đang hứng chịu chùm hạt điện tích từ Mặt trời (hay còn gọi là bão Mặt trời).

Vào năm 1989, một đợt phun trào các hạt mang điện tích từ mặt trời đã đánh sập nguồn điện của thành phố Quebec (Canada) suốt khoảng 9 giờ đồng hồ.

Hai cơn bão Mặt trời khác đã cắt đứt đường liên lạc vô tuyến khẩn cấp của một số khu vực trong tổng cộng 11 giờ đồng hồ ngay sau cơn bão Irma xảy ra năm 2017. Người ta thậm chí cho rằng bão Mặt trời đã làm gián đoạn sóng cấp cứu SOS phát ra từ tàu Titanic trong vụ tai nạn vào năm 1912.

Nhiều cảnh báo được đưa ra, cho rằng việc thiếu chuẩn bị cho một sự kiện thời tiết không gian cực đoan có thể tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng và gây ra sự hoảng loạn trên diện rộng.

Chính bởi lý do này, các nhà khoa học luôn mong muốn có thể quan sát và phân tích kỹ lưỡng những vụ phun trào xảy ra trên bề mặt của Mặt trời, cũng như đo lường được sự ảnh hưởng của các hạt điện tích được phóng ra, để từ đó có được biện pháp chống đỡ phù hợp.