Tàu thăm dò ghi lại cảnh Mặt trời phun trào dữ dội

Minh Khôi

(Dân trí) - Tàu vũ trụ Solar Orbiter của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã ghi lại một vụ phun trào cực lớn mạnh từ Mặt trời.

Tàu vũ trụ Solar Orbiter ghi lại vụ phun trào cực mạnh xảy ra trên Mặt trời

Mặt trời của chúng ta không "hiền lành" như hình ảnh thường thấy trong các bộ phim hoạt hình. Thay vào đó, nó liên tục xảy ra các vụ nổ cỡ nhỏ hoặc phun trào trên bề mặt.

Để quan sát và nghiên cứu hiện tượng này của Mặt trời, NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã thực hiện sứ mệnh SoloHI (Solar Orbiter Heliospheric Imager) với việc đưa tàu thăm dò Solar Orbiter tiến vào quỹ đạo của Mặt trời vào ngày 10/2/2020.

Mới đây, những hình ảnh đầu tiên về vụ phun trào dữ dội có tên khoa học là "coronal mass ejection" (CME) xảy ra trên Mặt trời đã được gửi về Trái đất, khi tàu cách mục tiêu 77 triệu km (tương đương với một nửa so với khoảng cách từ Mặt trời đến Trái đất).

Theo đó, vào ngày 10/2/2021, khi tàu vũ trụ tiếp cận điểm gần nhất với Mặt trời, camera đã phát hiện ra 2 vụ nổ đột ngột của các vật thể bay, khiến chúng phóng ra khỏi bề mặt của Mặt trời.

Tàu thăm dò ghi lại cảnh Mặt trời phun trào dữ dội - 1

Vụ phun trào (CME) đầu tiên, được quan sát bởi tàu thăm dò Solar Orbiter xuất hiện dưới dạng một luồng khói trắng đột ngột xảy ra, sau đó mở rộng thành luồng gió trên bề mặt Mặt trời. Ảnh: ESA/NASA

Đối với tàu thăm dò, việc "chộp" được khoảnh khắc xảy ra hiện tượng CME là một sự may mắn ngoài ý muốn. Theo NASA, vào thời điểm vụ phun trào xảy ra, quỹ đạo của Mặt trời vừa di chuyển tới vị trí khuất khi nhìn từ Trái đất.

Do đó, các nhà quan sát không mong đợi có thể ghi lại bất kỳ dữ liệu nào trong khoảng thời gian này. Cũng chính bởi vậy mà đoạn video cần thời gian khá lâu mới được chuyển về Trái đất. 

Cũng trong thời gian này, tàu vũ trụ STEREO-A của NASA cũng đã nhìn thoáng thấy vụ phun trào qua máy dò COR2 - vốn được thiết kế để chặn một phần quầng sáng của Mặt trời, từ đó giúp quan sát những hiện tượng bất thường nếu có xảy ra.

Ngoài ra, thiết bị Proba-2 của ESA và Solar and Heliospheric Observatory (SOHO) của ESA/NASA cũng gửi về dữ liệu hình ảnh cho thấy chúng đã quan sát được vụ phun trào từ phía trước của Mặt trời.

Tàu thăm dò ghi lại cảnh Mặt trời phun trào dữ dội - 2

Biểu đồ cho thấy quỹ đạo ảnh hưởng của hai vụ phun trào, được quan sát vào ngày 12/2/2021. Hình bên phải cho thấy tác động của nó tới Trái đất. (Ảnh: NASA)

Tàu thăm dò ghi lại cảnh Mặt trời phun trào dữ dội - 3

Vụ phun trào được quan sát thấy từ nhiều vệ tinh khác nhau, như thiết bị Proba-2 của ESA và Solar and Heliospheric Observatory (SOHO) của ESA/NASA.

Đối với tàu Solar Orbiter, đây mới chỉ đang là giai đoạn hiệu chuẩn thiết bị, nhằm thực hiện các hoạt động chính từ tháng 11 năm nay.

Bên cạnh nghiên cứu những vụ phun trào, tàu Solar Orbiter cũng sẽ mang đến những góc quan sát cận cảnh chưa từng có về Mặt trời, đồng thời cung cấp những hình ảnh đầu tiên về các vùng cực chưa được thăm dò của nó.

Được biết, những hạt từ vụ phun trào CME gây ra hiện tượng cực quang trên các hành tinh có bầu khí quyển, đồng thời có thể gây nhiễu các vệ tinh và lưới điện trên Trái đất, hay còn gọi là hiện tượng "bão Mặt trời".

Nếu các vụ phun trào đủ lớn, chúng có thể gửi hàng tỷ tấn plasma và các hạt mang điện tích di chuyển về phía Trái đất, đồng thời gây hại cho những phi hành gia không được bảo vệ đầy đủ.

Vào năm 1989, một đợt phun trào các hạt mang điện tích từ mặt trời đã đánh sập nguồn điện của thành phố Quebec (Canada) suốt khoảng 9 giờ đồng hồ. Hai cơn bão Mặt trời khác đã cắt đứt đường liên lạc vô tuyến khẩn cấp của một số khu vực trong tổng cộng 11 giờ đồng hồ ngay sau cơn bão Irma xảy ra năm 2017. Người ta thậm chí cho rằng bão Mặt trời đã làm gián đoạn sóng cấp cứu SOS phát ra từ tàu Titanic trong vụ tai nạn vào năm 1912.

Chính bởi lý do này, các nhà khoa học cần quan sát và phân tích kỹ lưỡng những vụ phun trào xảy ra trên bề mặt của Mặt trời, cũng như tiến trình, tác động của các hạt điện tích được phóng ra.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm