Tôn vinh vai trò của phụ nữ trong hoạt động đổi mới, sáng tạo

(Dân trí) - Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho hay, tôn vinh vai trò của phụ nữ trong hoạt động đổi mới, sáng tạo, sự khéo léo và can đảm của những người phụ nữ đang thúc đẩy sự thay đổi trong thế giới và định hướng cho tương lai chúng ta sẽ là một trong những hoạt động kỷ niệm của Ngày sở hữu trí tuệ thế giới là năm nay.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động như hội thảo, triển lãm, chiếu video phỏng vấn các nhân vật về chủ đề đổi mới và sáng tạo, về các phụ nữ điển hình trong đổi mới sáng tạo, biểu diễn âm nhạc, đi bộ vì đổi mới và sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng sẽ diễn ra.

Năm nay, Ngảy sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day 2018) có chủ đề “Tiếp sức cho những thay đổi - Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo”. Sự kiện sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 21/4.

Trên website của WIPO (Tổ chức SHTT Thế giới) khẳng định, sự sáng tạo của phụ nữ từ trước đến này không chỉ thể hiện trong các lĩnh vực phim ảnh, âm nhạc, thời trang, thiết kế, điêu khắc, văn học, nghệ thuật mà còn cả trong các lĩnh vực vật lý thiên văn, công nghệ nano, y học, trí tuệ nhân tạo và robot...


IP day 2018: “Tiếp sức cho những thay đổi - Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo”. Sự kiện sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 21/4.

IP day 2018: “Tiếp sức cho những thay đổi - Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo”. Sự kiện sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 21/4.

Những đóng góp của phụ nữ đã góp phần nâng cao đời sống, làm thay đổi cuộc sống của nhân loại. Sự đóng góp quan trọng và đầy cảm hứng của phụ nữ trên toàn cầu đang tạo ra sự thay đổi của thế giới. Thái độ "có thể làm" (can do) là một nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta, và những thành tựu đáng ghi nhận của họ là một di sản vô giá cho các bạn nữ ngày nay với khát vọng trở thành những nhà phát minh và những chủ thể sáng tạo trong tương lai.

“Hơn bao giờ hết, phụ nữ đang đảm nhận vai trò lãnh đạo và có tiếng nói quyết định trong giới khoa học, công nghệ, kinh doanh và nghệ thuật. Với sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của phụ nữ và nam giới trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ củng cố tiềm năng của nhân loại, làm giàu tài nguyên văn hóa và đưa ra các giải pháp hiệu quả xóa đói, giảm nghèo, tăng cường sức khỏe và bảo vệ môi trường" – Trang WIPO đánh giá cao vai trò của người phụ nữ.

Ông Đỗ Thiên Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo, Cục SHTT cho biết, ý tưởng xuyên suốt các hoạt động cho IP Day2018 là tập trung vào thể hiện yếu tố tiếp sức cho những thay đổi. Để triển khai ý tưởng này, Cục SHTT đã phối hợp với các đơn vị liên quan tìm kiếm, thẩm định, giới thiệu những điển hình của phụ nữ sáng tạo trên khắp Việt Nam, thiết kế trò chơi tạo sự tương tác với các nhân vật nữ quyền lực, đặc biệt là phần không thể bỏ qua chính là phỏng vấn giới trẻ, những người có tầm ảnh hưởng (KOLs) về quan điểm của họ đối với vấn đề “Phụ nữ trong đổi mới và sáng tạo.

“Sẽ có 2.000 người tham gia trực tiếp tại địa điểm tổ chức; 10.000 Số người biết đến sự kiện thông qua các phương tiện truyền thông…cùng với đối tượng tham gia, sinh viên, Cán bộ, thanh niên một số bộ, ngành, Chuyên gia, doanh nhân, cộng đồng khởi nghiệp…là những gì IP day 2018 tạo nên”, ông Hoàng bày tỏ.

Cũng theo ông Hoàng, tại buổi lễ kỷ niệm diễn ra vào ngày 21/4 tới tại Quảng trường Đông kinh Nghĩa Thục, Hà Nội sẽ có triển lãm ảnh: Phụ nữ với đổi mới và sáng tạo và những sáng kiến phát minh của họ.Các hội thảo hội thảo chuyên đề bàn luận về các vấn đề còn tồn tại và triển khai các hoạt động về đổi mới sáng tạo (ĐMST), SHTT...

Bảo vệ đổi mới sáng tạo chính là sở hữu trí tuệ

Việt Nam đứng thứ 59/128 quốc gia trong Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2016, năm 2017 đứng vị trí 47/127 quốc gia trong Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).


Năm 2017, sự kiện IP Day đã thu hút hàng nghìn người tham gia.

Năm 2017, sự kiện IP Day đã thu hút hàng nghìn người tham gia.

Như vậy, Việt Nam đã tăng hạng khá ấn tượng, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc). Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Việt Nam còn đứng vị trí số 1 về chỉ số GII 2017 trong số các nước có thu nhập trung bình thấp. ĐMST và tài sản trí tuệ được xem là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Vì vậy, phát triển kinh tế tri thức được xác định là hướng đi quan trọng để Việt Nam theo kịp sự phát triển của thế giới, trong đó sử dụng vốn tài nguyên và lao động gia tăng thông qua việc áp dụng cộng nghệ, kỹ thuật mới, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, nâng cao trình độ quản lý và kỹ năng của người lao động... hay nói cách khác, chính là tăng cường các hoạt động đổi mới sáng tạo của các tổ chức và cá nhân.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT cho biết, hoạt động ĐMST đa dạng và có nhiều cấp độ, từ triển khai một ý tưởng mới, tạo một sản phẩm, dịch vụ mới hay tạo ra sự thay đổi về chất cho một sản phẩm và dịch vụ đã có, đến ĐMST trong quy trình (sản xuất, bán hàng, marketing, thương hiệu, quản lý…).

Dù ở mức độ, cấp độ nào, ĐMST luôn bắt nguồn từ các ý tưởng, đây cũng là khởi nguồn của các tài sản trí tuệ. Vì vậy, một trong những yếu tố giúp thúc đẩy, quản lý và bảo vệ ĐMST của doanh nghiệp chính là sở hữu trí tuệ hay nói cách khác, SHTT giúp nâng tầm sáng tạo cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Đinh Hữu Phí cũng chia sẻ, những gì đã làm được về truyền thông và tác động thực tế trong lĩnh vực phổ biến thông tin, kiến thức, thay đổi hành vi liên quan tới SHTT tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Vì vậy, việc tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân, các tổ chức và cá nhân nhằm đưa SHTT vào cuộc sống và thúc đẩy ĐMST là công việc vô cùng quan trọng.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm