Tìm thấy loài vật miễn nhiễm phóng xạ ở "vùng đất chết" Chernobyl
(Dân trí) - Loài vật nhỏ bé này dường như hoàn toàn không bị tổn hại bởi phóng xạ, và có thể được điều chỉnh gen để sử dụng trong y học.
Kể từ vụ nổ lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào tháng 4/1986, khu vực xung quanh nhà máy và thị trấn Pripyat gần đó đã trở thành "vùng đất chết", và bị cấm với bất kỳ ai nếu không có sự chấp thuận của chính phủ.
Nguyên nhân là bởi các chất phóng xạ lắng đọng vào môi trường khiến sinh vật nơi đây thường xuyên phải tiếp xúc với bức xạ ion hóa ở mức độ không an toàn, làm tăng đáng kể nguy cơ đột biến, ung thư và tử vong.
Thế nhưng, có một loài động vật dường như hoàn toàn miễn nhiễm với phóng xạ trong khu vực. Đó là giun tròn thường sống trong đất (tên khoa học Oschieus tipulae).
Một nhóm các nhà sinh vật học tới từ Đại học New York đã phân tích cẩn thận bộ gen của 300 con giun được thu thập trong phòng thí nghiệm, và không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự sắp xếp lại các nhiễm sắc thể quy mô lớn do ảnh hưởng từ môi trường gây đột biến.
Ngay cả khi thử nghiệm trên thế hệ con cháu, nhóm nghiên cứu cũng không phát hiện thấy bất kỳ đột biến nào về gen.
Nhóm kết luận, quần thể giun tròn chưa hề có bất kỳ dấu hiệu tổn hại DNA từ môi trường bức xạ kể từ khi xảy ra thảm họa hạt nhân ở Chernobyl. Điều này có thể đến từ khả năng phục hồi và thích nghi với các môi trường sống khắc nghiệt của loài giun đất.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, cơ chế tự sửa chữa DNA của giun tròn có thể được điều chỉnh để sử dụng trong y học cho con người.
Ngày 26/4/1986, vài giây trước thảm họa xảy ra, nhiệt độ bên trong lõi Lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Liên bang Xô Viết (ngày nay thuộc quốc gia Ukraine) đạt 4.650 độ C, gần bằng nhiệt độ bề mặt của Mặt trời (5.500 độ C).
Khi lò phản ứng phát nổ, sức mạnh của nó tương đương với 66 tấn thuốc nổ TNT, hoàn toàn có thể thổi bay một tòa nhà 20 tầng và phá hủy toàn bộ lõi bên trong. Vụ nổ đã đẩy 28 tấn phóng xạ của lò phản ứng này ra ngoài môi trường tự nhiên và gây ra một đám cháy phóng xạ kéo dài gần hai tuần.
Điều này dẫn đến việc hình thành những đám mây khí phóng xạ và sol khí (hệ keo của các hạt chất rắn hoặc các giọt chất lỏng trong không khí hoặc chất khí khác) khổng lồ xâm nhập vào bầu khí quyển và trôi dạt về phía Bắc và phía Tây quốc gia theo chiều gió.
Trong số những bụi phóng xạ này, đáng chú ý có các chất như iot 131, cesium 137, plutonium 239, tất cả chúng đều cực kỳ nguy hiểm cho con người và động - thực vật.
Theo các nhà khoa học, một số chất phóng xạ có chu kỳ bán rã lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Cá biệt là plutonium 239, có thời gian bán hủy là 24.000 năm, đồng thời gây độc tính phóng xạ cao trong trường hợp con người hít phải.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 47 công nhân đã chết vì hội chứng phóng xạ cấp tính, nguyên nhân trực tiếp do phóng xạ từ vụ thảm họa và 9 trẻ em chết vì ung thư tuyến giáp, trong tổng số 4.000 trường hợp ung thư được phát hiện và có khoảng 600.000 người bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức độ cao nhất.
Ngày nay, Pripyat được coi là "thành phố ma", bởi các tòa nhà chung cư, sân chơi và di tích công cộng của nó vẫn còn tồn tại. Đây là nơi trú ngụ của một số loài động vật hoang dã và là điểm tham quan cho khách du lịch ưa mạo hiểm.