Tìm thấy hành tinh có kích thước đúng bằng Trái Đất
(Dân trí) - Một hành tinh được cho có kích thước gần bằng Trái Đất nằm cách chúng ta 72 năm ánh sáng.
"Người anh em" của Trái Đất?
K2-415b là tên của hành tinh vừa được một nhóm các nhà thiên văn tại Trung tâm Sinh vật học Vũ trụ ở Nhật Bản tìm thấy.
Trong tài liệu được công bố trên Tạp chí Thiên văn học, các nhà nghiên cứu mô tả K2-415b có những điểm tương đồng so với Trái Đất.
Theo đó, hành tinh này có khối lượng gấp từ 1,3 đến 5,7 lần trọng lượng của Trái Đất, nhưng lại có kích thước gần như tương đồng (gấp 1,015 lần Trái Đất). Điều này theo các nhà nghiên cứu đánh giá, khả năng là do K2-415b có lõi đặc hơn Trái Đất.
Những phát hiện gần đây còn cho thấy K2-415b quay khá gần ngôi sao mẹ - là một sao lùn đỏ (còn gọi là sao lùn M). Quỹ đạo của nó chỉ kéo dài đúng 4 ngày, so với 12 tháng đối với Trái Đất.
Đây cũng là loại sao thuộc dãy chính lạnh nhất, nhỏ nhất và nhiều nhất trong dải Ngân Hà chứa Trái Đất.
Những sự khác biệt này cho thấy hành tinh này và Trái Đất đã được hình thành và phát triển theo những cách khác nhau, và tồn tại một hệ thống rất khác với chúng ta.
Dẫu vậy, các nhà khoa học tin rằng K2-415b sẽ là một "phòng thí nghiệm" lý tưởng để khám phá sự đa dạng của khí quyển tiềm năng tại những nơi có kích thước tương tự như Trái Đất.
"K2-415 sẽ là mục tiêu cho các quan sát tiếp theo, bao gồm theo dõi vận tốc hướng tâm và các dải quang phổ của nó", Teruyuki Hirano, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Công cuộc đi tìm sự sống ngoài Trái Đất
Trái Đất là nơi duy nhất trong vũ trụ xuất hiện sự sống, ít nhất là theo hiểu biết của chúng ta tính đến thời điểm hiện nay.
Thế nhưng tự thủa sơ khai, con người đã không ngừng nhìn lên các vì sao, và ôm mộng tìm kiếm dấu hiệu của một nền văn minh khác ở nơi xa xôi.
Những dấu vết đầu tiên mà chúng ta có thể đi theo, đó là quần thể các ngoại hành tinh có kích thước, thành phần, nhiệt độ, khối lượng... tương tự như Trái Đất.
Lý tưởng nhất là những ngoại hành tinh nằm ở tương đối gần Trái Đất, giúp cho việc di chuyển và khám phá trở nên thuận tiện. Thế nhưng các ngoại hành tinh nhỏ lại thường khó tìm hơn những hành tinh lớn.
Cụ thể trong bán kính 100 năm ánh sáng của Hệ Mặt Trời, chỉ có vỏn vẹn 14 ngoại hành tinh nhỏ hơn 1,25 lần bán kính Trái Đất được tìm thấy, chủ yếu là quay quanh các ngôi sao lùn đỏ.
Do vậy, các nhà khoa học đã không có nhiều dữ liệu cần thiết để thực hiện nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, sự xuất hiện của K2-415 có thể tạo ra cuộc cách mạng.
Đó là bởi K2-415b nằm ngay bên trong vành đai của vùng có thể sống được. Nói cách khác, bầu khí quyển trên ngoại hành tinh này vẫn tiềm ẩn những điều bất ngờ.
Ngay cả khi sự sống không được tìm thấy, những kiến thức từ việc khám phá K2-415b có thể giúp chúng ta định hình được những đặc điểm khí quyển cần thiết của ngoại hành tinh, góp phần tìm kiếm những thế giới ẩn giấu, có khả năng chứa đựng sự sống trong tương lai.