Tiểu hành tinh to ngang một chiếc xe buýt "ghé thăm" Trái Đất ngày hôm nay
(Dân trí) - Tiểu hành tinh 2022 ES3 không được coi là "có khả năng nguy hiểm" đối với Trái Đất, do khoảng cách của nó khi đi ngang qua chúng ta còn khá xa.
Theo NASA, tiểu hành tinh có tên gọi 2022 ES3 rộng 12 mét, tương đương với kích thước của một chiếc xe buýt sẽ bay ngang qua Trái Đất hôm nay (theo giờ VIệt Nam ) ở khoảng cách tối thiểu 330 ngàn km.
Trước đó vào ngày 7/3, Đài quan sát quốc gia Kitt Peak ở Arizona (Mỹ) đã phát hiện ra tiểu hành tinh, đồng thời lập bản đồ chi tiết về chuyển động, quỹ đạo của "tiểu hành tinh lang thang" này.
Theo Newsweek, 2022 ES3 không được coi là "có khả năng nguy hiểm" đối với Trái Đất, do khoảng cách của nó khi đi ngang qua chúng ta còn khá xa. Bên cạnh đó, kích thước của nó cũng quá nhỏ để có thể gây ra bất cứ thiệt hại gì, giả sử trong trường hợp xảy ra va chạm.
Gianluca Masi, người sáng lập dự án Kính viễn vọng Ảo cũng cho biết tiểu hành tinh tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách an toàn, xấp xỉ 87% so với khoảng cách trung bình từ Trái Đất tới Mặt Trăng (384.400 km). Do vậy, có thể hoàn toàn loại bỏ mối lo ngại về việc tiểu hành tinh này có thể va chạm với bề mặt Trái Đất.
Trước đó, NASA từng tuyên bố họ luôn theo dõi chặt chẽ chuyển động của các tiểu hành tinh thông qua kính thiên văn của đối tác. Mặc dù cơ quan này vẫn chưa tìm thấy bất kỳ vấn đề nguy hiểm nào sắp xảy ra, nhưng họ vẫn liên tục thử nghiệm các công nghệ phòng thủ trước mối đe dọa từ tiểu hành tinh để chủ động trong mọi trường hợp.
Một trong số đó là sứ mệnh Thử nghiệm Chuyển hướng cặp Tiểu hành tinh (DART) được thực hiện vào ngày 24/11/2021, với việc phóng một tàu vũ trụ không người lái để đâm vào một tiểu hành tinh nhỏ tên là Dimorphos vào khoảng tháng 10 năm nay.
Các biện pháp triệt để của NASA được xem là vô cùng cấp thiết trong bối cảnh ngay cả cơ quan này cũng thừa nhận Trái Đất đang đối mặt những nguy cơ tiềm ẩn khi tiểu hành tinh "lẻn" qua hệ thống radar mà không bị phát hiện.
Theo đó, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Icarus vào tháng 1/2022 cho biết có tới 50% các tác nhân va chạm khi đến gần Trái Đất ở một góc nhất định sẽ trải qua giai đoạn chuyển động bất thường, khiến cho việc phát hiện chúng trở nên khó khăn.
Cụ thể, đó là khi các tiểu hành tinh lao tới Trái Đất từ một khu vực của bầu trời về phía hướng Đông, vào khoảng 2 giờ sáng. Lúc này, cách Trái Đất quay và quỹ đạo của nó có thể khiến cho các vật thể bay trông như chúng chuyển động rất chậm, thậm chí "như đứng yên", nhưng thực tế không phải như vậy. Nhóm nghiên cứu viết: "Các nhà quan sát nên cẩn thận hơn khi quan sát bầu trời theo hướng này, và tích cực theo dõi các vật thể di chuyển chậm mới xuất hiện".
Năm 2019, từng có một tiểu hành tinh đường kính 100 mét lao sượt qua Trái Đất ở khoảng cách chỉ 69.000 km. Điều nguy hiểm là chúng ta chỉ mới phát hiện được mối nguy này từ vỏn vẹn 24 giờ trước đó.
Ngay sau phen hú vía kể trên, Quốc hội Mỹ đã giao nhiệm vụ cho NASA trong việc xác định chính xác vị trí và quỹ đạo bay của 90% tiểu hành tinh với kích thước lớn hơn 140 mét, bởi chúng có thể phá hủy cả một thành phố lớn nếu đâm vào Trái Đất.