Tiểu hành tinh "tiềm ẩn nhiều nguy hiểm" sẽ tiếp cận Trái Đất vào ngày 1/4
(Dân trí) - Tảng đá không gian đang di chuyển với tốc độ 47.950 km/h và được NASA cảnh báo là tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.
Các nhà thiên văn học ở NASA đã xác nhận rằng một tiểu hành tinh "có khả năng gây nguy hiểm" sẽ tiếp cận với Trái Đất vào thứ Sáu tuần này (tức ngày 1/4). Tuy nhiên, khoảng cách gần nhất của nó với hành tinh của chúng ta được dự đoán lên tới 7,4 triệu km. Do đó, nhiều khả năng sẽ không có một va chạm trực tiếp nào xảy ra.
Theo SpaceReference.com, một cơ sở dữ liệu tổng hợp thông tin từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, tiểu hành tinh được gọi là 2007 FF1, có đường kính từ 110 - 260 mét. Nó được coi là một tiểu hành tinh thuộc lớp Apollo, trong số khoảng 15.000 tiểu hành tinh với quỹ đạo bay quanh Mặt Trời và cắt ngang quỹ đạo của Trái Đất.
Trong đó, tiểu hành tinh này được xếp vào loại "có khả năng nguy hiểm" do kích thước và quỹ đạo bay của nó ở tương đối gần Trái Đất.
Một bức ảnh mờ về tảng đá không gian đang di chuyển theo hướng của chúng ta đã được Dự án Kính viễn vọng Ảo (Virtual Telescope Project) chụp vào ngày 24/3, khi nó ở cách Trái đất khoảng 11,6 triệu km, và đang di chuyển với tốc độ 47.950 km/h.
Theo NASA, tiểu hành tinh sẽ tiếp cận gần nhất với Trái Đất vào lúc 4:35 chiều theo múi giờ miền Đông (tương đương 3:35 sáng theo giờ Việt Nam). Khi đó, nó sẽ ở cách Trái Đất khoảng 4,6 triệu dặm (7,4 triệu km).
Để đối chiếu, khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trăng là khoảng 384.400 km. Như vậy, tiểu hành tinh "lang thang" sẽ tiến đến hành tinh của chúng ta ở một khoảng cách tương đối an toàn, tương đương gấp 30 lần so với con số nêu trên.
Lần đầu tiên tiểu hành tinh 2007 FF1 tiếp cận với Trái Đất là vào tháng 3/2007, còn lần gần nhất là vào tháng 8/2020. Khi ấy, khoảng cách giữa tiểu hành tinh này với Trái Đất là 17,3 triệu km.
Theo SpaceReference.org, lần tiếp cận sắp tới của tiểu hành tinh được ước tính sẽ diễn ra vào ngày 2/4/2037, khi nó đạt khoảng cách tối thiểu tới Trái Đất là khoảng 4,9 triệu dặm (7,9 triệu km)