Tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất ở vận tốc gấp 46 lần âm thanh

Minh Khôi

(Dân trí) - Tiểu hành tinh 2022 EB5 rực cháy khi tiến vào bầu khí quyển của Trái Đất, trước khi lao xuống một vùng biển ở phía Bắc Iceland.

Tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất ở vận tốc gấp 46 lần âm thanh - 1

Ngày 11/3, lúc 21 giờ 22 phút theo giờ địa phương (GMT), giới chuyên môn đã chứng kiến một vụ va chạm giữa một tiểu hành tinh lang thang với bề mặt Trái Đất. Tiểu hành tinh được phát hiện bởi nhà thiên văn học người Hungary Krisztían Sárneczky, khi ông điều khiển Đài quan sát Konkoly, gần Budapest.

Theo DailyMail, tảng đá được đặt tên là 2022 EB5 đã cháy gần hết khi nó di chuyển qua bầu khí quyển Trái Đất. Tuy nhiên ngay cả khi giữ nguyên kích thước ban đầu, nó cũng sẽ gây ra ít hoặc thậm chí không có thiệt hại vì chỉ rộng khoảng 3 mét.

Nguồn tin địa phương cho biết một số người ở Iceland đã nghe thấy một tiếng nổ lớn tại khu vực giữa Greenland và Na Uy, cùng với một tia sáng lóe lên trên bầu trời vào khoảng thời gian tiểu hành tinh lao xuống Trái Đất. Tốc độ của tiểu hành tinh này được ghi nhận là xấp xỉ 15,8 km/s - tương đương khoảng 46 lần vận tốc âm thanh di chuyển trong không khí.

Theo NASA, đây đã trở thành tiểu hành tinh thứ 5 được phát hiện trước khi nó va chạm với Trái Đất.

Tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất ở vận tốc gấp 46 lần âm thanh - 2

Hình ảnh "quả cầu lửa" ghi nhận từ một thiên thạch va vào Trái Đất ngày 21/1/1999 (Ảnh: Meteor Society).

Điều đáng lo ngại là tiểu hành tinh này chỉ được phát hiện vỏn vẹn 2 giờ trước khi nó va vào Trái Đất. Theo TS. David Polishook - nhà thiên văn học của Viện Khoa học Weizmann, tiểu hành tinh không được radar nhận thấy từ xa vì kích thước của nó.

"Đó là một tảng đá nhỏ. Nó chỉ phản chiếu một chút ánh sáng từ Mặt Trời, nên rất khó để xác định", ông nói. "Vụ va chạm không gây thiệt hại, nó rơi xuống vùng biển giữa Na Uy và Iceland".

Dẫu vậy theo TS. David Polishook, mối đe dọa từ các thiên thạch "ngoài tầm quan sát" vẫn hiện hữu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

"Hãy tưởng tượng nếu nó rơi vài giờ trước đó ở Nga", ông nói. "Với những căng thẳng đang diễn ra, liệu Nga có cho rằng đó là một tên lửa, và quyết định bắn trả bằng tên lửa của chính mình?".

Tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất ở vận tốc gấp 46 lần âm thanh - 3

Tốc độ của tiểu hành tinh này được ghi nhận là xấp xỉ 15,8 km/s - tương đương khoảng 50 lần vận tốc âm thanh di chuyển trong không khí.

Theo tính toán của các nhà khoa học tại Viện Davidson, một tiểu hành tinh rộng chừng 140 mét sẽ giải phóng năng lượng lớn hơn ít nhất 1.000 lần so với quả bom nguyên tử đầu tiên được chế tạo nếu nó va chạm vào Trái Đất.

Còn nếu có bán kính chừng 1 km như tiểu hành tinh 138971 (2001 CB21) từng bay ngang qua Trái Đất vào đầu tháng 3, vụ va chạm có thể hủy diệt gần hết sự sống trên hành tinh.

Vụ va chạm với tiểu hành tinh lớn nhất từng được ghi nhận diễn ra vào năm 2013, khi một vật thể rộng khoảng 19 mét phát nổ trên bầu trời thành phố Chelyabinsk ở Nga.

Khi ấy, người ta ước tính nó va vào bầu khí quyển của Trái Đất với năng lượng tương đương 500.000 tấn thuốc nổ TNT, tạo ra một sóng xung kích kép, gây thiệt hại trên diện rộng và làm bị thương hơn 1.600 người.

Theo www.dailymail.co.uk