Thuốc kháng sinh làm tăng mắc bệnh tiểu đường týp 1 ở trẻ em
(Dân trí) - Nghiên cứu mới chỉ ra rằng chỉ cần một đợt dùng kháng sinh cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 1 ở trẻ em.
Trước đây, các nhà nghiên cứu tại Trường Y Đại học New York đã phát hiện thấy việc tiếp xúc với nhiều loại thuốc kháng sinh làm tăng tốc độ khởi phát của bệnh. Nghiên cứu mới này của họ đã phát hiện thêm rằng chỉ một đợt dùng kháng sinh cũng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Tác giả chính của nghiên cứu Tiến sĩ Xuesong Zhang, một trợ lý giáo sư y khoa tại Trường Y ĐH NewYork, cho biết: "Phát hiện của chúng tôi xác nhận những nghiên cứu trước đây cho thấy thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 1". "Ngay cả một đợt dùng thuốc duy nhất cũng có thể làm xáo trộn hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến hậu quả lâu dài trong thành ruột, bao gồm cả sự thay đổi tế bào miễn dịch và tổn thương tuyến tụy".
Số người mắc bệnh tiểu đường týp 1 đã tăng gấp đôi trong những thập kỷ gần đây khi sự tiếp xúc với thuốc kháng sinh của trẻ em tăng lên. Trung bình, trẻ em dùng khoảng 3 đợt kháng sinh trong hai năm đầu đời.
Nghiên cứu đã kiểm tra hệ vi khuẩn sinh vật đường ruột bao gồm nhiều loài vi khuẩn sống trong đường tiêu hóa.
Trong bệnh tiểu đường týp 1, các tế bào miễn dịch thường kiểm soát vi khuẩn xâm nhập thay vì tiêu diệt các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Tuyến tụy sau đó sản xuất ít hoặc không có insulin, loại hoóc-môn kiểm soát mức đường trong máu.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích hàng triệu ADN vi khuẩn trong các mẫu lấy từ chuột nghiên cứu bằng cách sử dụng các kỹ thuật thống kê và di truyền. Trong các nghiên cứu sơ bộ, các trình tự ADN chính được so sánh với các loài vi khuẩn đã biết.
Trong nghiên cứu mới, họ có thể xác định được hệ vi sinh vật của mỗi con chuột và quan sát ảnh hưởng của thuốc kháng sinh trên mỗi loại.
Bốn nhóm vi khuẩn - Enterococcus, Blautia, Enterobacteriaceae và Akkermansia - có nhiều hơn đáng kể trong ruột của những con chuột được điều trị bằng một đợt kháng sinh.
Mặc dù chúng thường vô hại, các loài này được gọi là mầm gây bệnh khi các yếu tố môi trường như kháng sinh làm thay đổi sự cân bằng bình thường.
Ngoài ra, bốn nhóm khác - S24-7, Clostridiales, Oscillospira và Ruminococcus - nhỏ hơn đáng kể ở những con chuột được điều trị bằng kháng sinh so với những con chuột bình thường trong thời gian đầu đời.
Bởi vì những loài vi khuẩn này có thể bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường týp 1, các nhà nghiên cứu cho biết chúng có thể là trọng tâm của sự phát triển các chế phẩm sinh học trong tương lai để phục hồi sức khỏe ở trẻ sơ sinh.
Nguyễn Hà
Theo Upi