1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Thực phẩm hữu cơ dành cho ai?

(Dân trí) - Những quan ngại về vấn đề an toàn thực phẩm và nhu cầu tiếp cận đa dạng chủng loại sản phẩm là 2 động lực chính khiến thị trường thực phẩm hữu cơ phát triển nhanh trên thế giới. Tuy nhiên trên thực tế nông nghiệp hữu cơ (NNHC) chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ cho nhu cầu an ninh lương thực và chỉ phục vụ một nhóm khách hàng giàu có.

Theo bản báo cáo Xu hướng thực phẩm hữu cơ toàn cầu của Kantar World Panel năm 2017, ba thị trường hữu cơ phát triển lớn nhất trên thế giới bao gồm Mỹ (47%), EU (36%), Trung Quốc (6%), Canada (4%) và Thụy Điển (3%). Thị trường chủ yếu dành cho những người từ 38 tuổi trở lên và có thu nhập cao. Trung bình mỗi năm mỗi người dân Mỹ chi khoảng 111 euro cho các sản phẩm hữu cơ còn người dân Thụy Sỹ chi khoảng 300 euro/năm. (FiBL-AMI survey 2017).

Thực phẩm hữu cơ dành cho ai? - 1

Tại Việt Nam, xu hướng thực phẩm hữu cơ cũng tăng dần trong vòng 5 năm trở lại đây. Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có 33/63 tỉnh thành phố phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt diện tích khoảng 76.6 nghìn ha, tăng 3.6 lần so với năm 2010.

Theo Kantar, động lực khiến thị trường tại Việt Nam tăng nhanh bởi thu nhập và mức sống của người dân đang dần được cải thiện, các tầng lớp trung lưu và thượng lưu mong muốn có những sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và tốt cho sức khoẻ. Ngoài ra ảnh hưởng của văn hóa phương tây và xu hướng dùng đồ hữu cơ nhập khẩu được thị trường đón nhận, đã làm tiền đề cho phương pháp canh tác hữu cơ trong nông nghiệp phát triển.

Trong khi đó hầu hết các sản phẩm và thương hiệu hữu cơ trên thị trường hiện nay đều thuộc phân khúc giá thành cao. Do đó, thu nhập càng cao thì càng nhiều khả năng lựa chọn sản phẩm hữu cơ. Tại Việt Nam, giá các sản phẩm hữu cơ cao gấp 4-5 lần so với các sản phẩm nông nghiệp truyền thống.

Lý giải cho giá thành cao, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp Nhiệt đới, nhận định, khi triển khai sản xuất NNHC ở Việt Nam tìm được đất & xử lý đất chuẩn hữu cơ là khoản đầu tư lớn mà nhà sản xuất phải đối mặt. Nguyên nhân là việc lạm dụng phân bón, sử dụng thuốc BVTV không đúng cách… đã khiến hầu hết đất tại Việt Nam hiện tại có phản ứng chua (pH <6.0), nghèo dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, đặc biệt là các chất dễ tiêu…Do đó, việc tìm được một diện tích đất trồng trọt có đủ tiêu chuẩn sạch để thỏa mãn các yêu cầu và quy chuẩn của IFOAM, USDA và các tổ chức sản xuất hữu cơ khác vô cùng gian nan và tốn kém.

Các rào cản cho thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam.

Theo ông Lê Thành Viện, Viện trưởng Viện kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, thị trường NNHC tại Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Kể đến đầu tiên đó là chưa có hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận và đánh giá rõ ràng; chi phí đầu tư và giá thành cao; khó khăn trong việc mở rộng chuỗi cung ứng nuôi trồng - sản xuất và phân phối; tài nguyên đất hạn chế về số lượng và chất lượng. Ngoài ra các yếu tố về trình độ lao động kỹ thuật canh tác hữu cơ thấp và hạn chế trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ cũng tạo ra những trở ngại lớn.

Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp trên đầu người tại Việt Nam đang giảm dần: khoảng 0.1ha (Chỉ bằng 8.7% trung bình của thế giới). Ở các khu tập trung sản xuất nông nghiệp như Đồng bằng Sông Hồng chỉ có 400m2/người. Trong khi đó mức gia tăng dân số ở nông thôn không giảm nhiều như mong đợi, khiến cho bình quân đất canh tác trên đầu người ngày càng giảm mạnh.

Để đảm bảo an ninh lương thực, các nước có thể dựa vào 2 yếu tố là tăng diện tích và năng suất. Theo các chuyên gia của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bộ và Viện Cây Lương thực & Thực phẩm, ông Ngô Doãn Đảm, Việt nam hiện chỉ còn có một con đường duy nhất là tăng năng suất. Bởi quỹ đất hiện chưa sử dụng có thể tiếp tục khai thác ở nước ta còn không đáng kể. Trong khi đó biến đổi khí hậu có khả năng làm cho diện tích đất có thể sử dụng có nguy cơ bị thu hẹp. Xu thế này cũng là xu thế của các nước đang phát triển trên thế giới, tức là đóng góp của yếu tố diện tích, kể cả tăng vụ đã ngày càng chiếm tỉ trọng thấp hơn.

Giải pháp tồn tại song song giữa hai hình thức canh tác nông nghiệp

Theo TS Nguyễn Văn Bộ - Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, để phát triển nông nghiệp ở Việt Nam thành công, đảm bảo an ninh lương thực cần thống nhất các quan điểm rằng, phải phát triển nông nghiệp cần hài hòa, bền vững, trong đó sản xuất theo hướng thâm canh, hóa học hóa vẫn là chủ yếu.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng hội nhập nền kinh tế có thể khiến tăng sự phụ thuộc của nền nông nghiệp (trong đó có nền nông nghiệp hữu cơ) vào thị trường bên ngoài và nền nông nghiệp có thể dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường quốc tế.

Ở các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến như Mỹ, Đức, Canada… từ lâu đã tồn tại đồng thời nhiều mô hình canh tác nông nghiệp, gồm canh tác theo kiểu truyền thống, canh tác hữu cơ, trồng cây đầu dòng và các giống biến đổi gene, cây trồng công nghệ sinh học.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) gọi đây là sự tồn tại đồng thời (co-existence), là phương thức canh tác cùng lúc các loại cây trồng khác nhau như trên tại các khu vực tiếp giáp nhau, phù hợp với sở thích của người tiêu dùng và lựa chọn của nông dân.

Mô hình tồn tại đồng thời nhiều phương thức canh tác nông nghiệp đã được thực hiện thành công tại nhiều nước trên thế giới. Tại Châu Âu mô hình tồn tại đồng thời cây ngô hữu cơ, truyền thống và biến đổi gen đã được ứng dụng thành công ở Tây Ban Nha, Anh hay ở Ý... Năm 2014, Tây Ban Nha đã canh tác hơn 131.500 ha cây ngô Bt, chiếm 92% diện tích ngô Bt tại EU.

Bên cạnh diện tích rộng lớn trồng ngô biến đổi gen, các cánh đồng lân cận đồng thời trồng ngô Bt hoặc ngô thường để làm thức ăn chăn nuôi.

TS Vũ Trọng Khải – Chuyên gia độc lập về Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng nhận định, nền nông nghiệp truyền thống vốn dĩ là nông nghiệp hữu cơ. Trải qua chiều dài lịch sử phát triển, dân số ngày một gia tăng, bình quân diện tích đất nông nghiệp theo đầu người của nước ta lại vào loại thấp nhất thế giới, cộng với kỹ thuật sản xuất lạc hậu… nên nền nông nghiệp hữu cơ cho năng suất thấp đã không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của con người.

Việc thừa hưởng những thành tựu khoa học của thế giới và trong nước về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất sử dụng hóa chất, sử dụng máy móc trong cung cấp dinh dưỡng và bảo vệ cây trồng, vật nuôi... đã giúp nền nông nghiệp Việt Nam về cơ bản đã trở thành một nền nông nghiệp hóa học hóa và cơ giới hóa một số khâu sản xuất, thay thế nền nông nghiệp hữu cơ truyền thống. Đặc biệt, sử dụng rộng rãi các giống cây trồng và vật nuôi mới cho năng suất cao… đã giúp đáp ứng đủ số lượng cho nhu cầu tiêu dùng của con người cũng như xuất khẩu.

Tuy nhiên, về mặt tiêu cực, nông nghiệp Việt Nam hiện tồn tại nhiều sản phẩm không an toàn cho người sử dụng, đồng thời, nền nông nghiệp hóa học hóa góp phần trong việc làm biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường sinh thái ở một số vùng…

Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đang tổ chức thực hành nông nghiệp tốt (GAP) theo VietGAP hay GlobalGAP và quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, dựa trên sự liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo TS Khải, dù có thực hiện phổ biến GlobalGAP, nền nông nghiệp vẫn được phép sử dụng hóa chất theo những tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Việc ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ nền nông nghiệp là giải pháp hữu hiệu để phát triển nền nông nghiệp vừa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vừa cung cấp đủ số lượng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế, gia tăng thu nhập cho người lao động nông nghiệp.

Nhật Hồng