Thực phẩm biến đổi gen từ góc nhìn khoa học

(Dân trí) - Kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu thử nghiệm các loại giống cây trồng biến đổi gen (BĐG) vào những năm 1980, ý tưởng về việc đưa thêm các DNA đã trở thành một trong các chủ đề gây tranh cãi nhất, cho đến tận hôm nay.

Một số người cho rằng BĐG trên cây trồng và động vật là một thành tựu công nghệ đột phá của loài người. Nhưng với một số người BĐG là “ác mộng” của khoa học, tạo ra thực phẩm độc hại, tiềm ẩn nguy hại với sức khỏe con người và môi trường.

Tính an toàn của Thực phẩm Biến đổi gen có lẽ là một trong các chủ đề gây tranh cãi trên toàn cầu và là một chủ đề nóng được công chúng quan tâm trong thời gian gần đây. Thực tế nhiều khảo sát cho thấy, có một khoảng cách đáng kể giữa các khía cạnh khoa học của chủ đề này với quan điểm của công chúng. Dưới đây là nội dung phỏng vấn với Tiến sĩ - Bác sĩ Trương Hồng Sơn về những nhầm lẫn thường gặp về thực phẩm BĐG và sự thật dưới góc nhìn khoa học:


Tiến sĩ - Bác sĩ Trương Hồng Sơn

Tiến sĩ - Bác sĩ Trương Hồng Sơn

Thứ nhất, biến đổi gen là một kỹ thuật mới và thực phẩm BĐG chỉ mới xuất hiện?

Trên thực tế, con người trong quá trình canh tác từ hàng nghìn năm nay đều cải tiến, lai tạo để tạo ra các tính trạng tốt cho cây trồng. Các tính trạng đó có thể cho sản phẩm có năng suất cao hơn, nhiều dinh dưỡng hơn, có mùi vị ngon hơn… Các phương pháp như lai giống tự nhiên, lai giống có chọn lọc, lai chéo, đột biến gen là một số kỹ thuật chúng ta thường nghe.

Sự tiến bộ của khoa học ngày càng giúp con người rút ngắn được thời gian lai tạo một giống mới và cho ra các tính trạng mong muốn một cách chuẩn xác hơn. Biến đổi gen được xem là kỹ thuật lai tạo tiến bộ nhất hiện nay khi nó cho phép con người có thể đưa vào chính xác và nhanh chóng các đặc tính mong muốn trên cây trồng (như chống chịu thuốc trừ cỏ hay kháng sâu). Được biết trong thời gian tới, các nhà khoa học có thể tiếp tục phát triển các kỹ thuật mới như chỉnh sửa gen, tắt gen…

Vì thế biến đổi gen là sự nâng cao của các kỹ thuật lai tạo giống hiện tại, đây là kỹ thuật mới nhưng không phải là dị biệt. Trên thực tế, thực phẩm chúng ta đang ăn hiện nay, gần như không có thực phẩm nào từ các giống cây nào là thuần chủng. Chúng đã được “biến đổi gen” bằng các kỹ thuật khác nhau để phù hợp hơn với điều kiện môi trường và nhu cầu của người tiêu dùng.

Thực phẩm biến đổi gen từ góc nhìn khoa học - 2

Thực phẩm biến đổi gen là không an toàn?

Cho tới nay chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh được điều này. Ngược lại, thực phẩm biến đổi gen là thực phẩm được khảo nghiệm, nghiên cứu về tính an toàn nghiêm ngặt nhất trong tất cả các loại thực phẩm khác. Lịch sử hơn 30 năm nghiên cứu với khoảng 2000 đánh giá khoa học độc lập trên toàn cầu, cho tới nay thực phẩm biến đổi gen được khẳng định là an toàn tương đương như các loại thực phẩm thông thường khác.

Cộng đồng khoa học – y khoa quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương của Liên Hơp Quốc (FAO), và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) đã kiểm tra tính an toàn đối với sức khỏe và an toàn môi trường của cây trồng BĐG và kết luận những bằng chứng cho đến thời điểm này chứng minh thực phẩm này là an toàn cho con người và động vật.

Thực phẩm BĐG không giàu dinh dưỡng như thực phẩm thông thường?

Cần nhắc lại kỹ thuật biến đổi gen được thực hiện để tác động và tạo ra các tính trạng có lợi cho cây trồng, ví dụ giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu, chống chịu thuốc trừ cỏ và từ đó tăng sản lượng cho cây trồng. Kỹ thuật biến đổi gen không ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

Báo cáo của Học viện Quốc gia Hoa Kỳ về Khoa học, Kỹ thuật và Y học (The National Academies of Science, Engineering and Medicine- NAS) năm 2016 và nghiên cứu của Cơ quan An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) khẳng định: thực phẩm biến đổi gen có giá trị dinh dưỡng tương đương với thực phẩm cùng loại không bị biến đổi gen.

Thậm chí, thực phẩm biến đổi gen với các tính trạng đặc biệt còn cung cấp nguồn thực phẩm dinh dưỡng hơn so với thực phẩm cùng loại ví dụ như gạo vàng biến đổi gen…

Thực phẩm BĐG sẽ làm thay đổi hệ gen (DNA) của con người?

Đa số các thực phẩm chúng ta ăn ngày nay, cho dù là thực phẩm được nấu chín, hay chế biến sẵn, đều có chứa các gen (DNA). Các gen này khi đi vào hệ tiêu hóa sẽ bị phá vỡ thành các đoạn nhỏ hơn, sẽ được tiêu hóa giống như protein từ thịt, cá, và không gây ảnh hưởng gì lên hệ gen của con người cả. Con người thường xuyên ăn gen của các loại động thực vật khác.

Đa số các tế bào của loại động thực vật có có thể chứa khoảng 30.000 gen khác nhau, thực phẩm BĐG chỉ có thêm từ 1-10 gen nữa trong tế bào mà thôi. Và các gen trong thực phẩm BĐG cũng tương tự như trong thực phẩm không BĐG.

Lợi ích của thực phẩm biến đổi gen có đang bị phóng đại? Chúng ta vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực mà không cần thực phẩm biến đổi gen?

Không có một công cụ riêng lẻ nào có thể đảm bảo và giải quyết vấn đề an ninh lương thực – biến đổi gen cũng như vậy – đây chỉ là một trong các giải pháp mà các nhà khoa học đang tạo ra để giúp nông dân sản xuất được nhiều lương thực hơn trên diện tích canh tác sẵn có, hạn chế việc thất thoát lương thực do sâu hại và cỏ dại tấn công.

Chúng ta cần phải thừa nhận rằng, với sự xuất hiện của công nghệ này, 20 năm qua, ngành nông nghiệp đã có thêm gần 400 triệu tấn lương thực gia tăng được tạo ra trên toàn cầu. Người ta tính rằng, lượng gia tăng đó tương đương với việc mỗi người trên thế giới có thêm 99 hộp ngũ cốc, 125 phần đậu tương, 14 chai dầu ăn 500ml.

Tiến sĩ-Bác sĩ Trương Hồng Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm