1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Thứ trưởng Bộ KH&CN: Việt Nam không đi quá chậm trong phong trào khởi nghiệp!

(Dân trí) - “Không phải đất nước nào cũng khởi nghiệp thành công và Việt Nam không đi quá chậm trong phong trào khởi nghiệp. Đây là thời điểm thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp nói chung cũng như khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo tại Việt Nam” – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết.

Thứ trưởng Tùng cũng cho rằng, hiện nay, trên thế giới có quốc gia khởi nghiệp thành công như Israel, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…Chúng ta đi sau nhưng có một điều rất quan trọng khi làm khởi nghiệp chính là nguồn nhân lực. Khởi nghiệp thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào con người trong khi nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay được đánh giá là có “chất lượng vàng”

Nói như Thứ trưởng thì đây sẽ là thời điểm thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp? Vậy khó khăn, thách thức đối với chúng ta sẽ là gì?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Là người đang theo dõi quản lý về hoạt động khởi nghiệp, tôi có cảm nhận đây là thời điểm rất thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp cũng như khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Điều này thể hiện qua các chỉ đạo của Đảng, văn bản của Chính phủ, Nhà nước và các Bộ, ngành đều nói về khởi nghiệp… Bên cạnh đó, trong tâm lý của xã hội hiện nay mọi người nói đến khởi nghiệp rất nhiều, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng nói nhiều về điều này và đây là những thuận lợi.


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều khó khăn, nhất là việc hiểu và biết để làm khởi nghiệp đúng nhất. Ngoài việc có một tinh thần, nhiệt huyết, người khởi nghiệp phải có kiến thức về khởi nghiệp. Đây là những điều mà trong quá trình học tập tại các trường đại học, kinh doanh, các kiến thức về quản trị cho doanh nghiệp, các hoạt động quản lý về thị trường và tiền tệ nhiều khi không được dạy một các đầy đủ…

Ví dụ các trường về khoa học dạy các kiến thức về chuyên môn nhưng không ai dạy cho các kiến thức về pháp lý, sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và làm thế nào để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường…

Chúng tôi cũng đang bàn với Bộ GD-ĐT là với một số trường có thể đưa nội dung đào tạo về khởi nghiệp cho sinh viên như khối trường kỹ thuật, thương mại và những trường liên quan đến hoạt động có thể khởi nghiệp, giúp sinh viên trang bị những kiến thức cần thiết, ban đầu cho hoạt động khởi nghiệp của mình.

Thưa Thứ trưởng, sau khi Chính phủ phát động chương trình xây dựng “Quốc gia khởi nghiệp” thì phong trào khởi nghiệp khá sôi động. Tuy nhiên một trong những “rào cản” lớn hiện nay trong vấn đề khởi nghiệp đó là cơ chế chính sách còn có những bất cập. Vấn đề nên được giải quyết như thế nào trong thời gian tới?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Trước hết phải khẳng định, chính sách là một vấn đề quan trọng cho khởi nghiệp tại Việt Nam.

Với tinh thần hỗ trợ khởi nghiệp thời gian qua và sự chỉ đạo của Chính phủ, gần đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã dành một chương cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó nội dung hoạt động khởi nghiệp đã được đưa vào và đã hình thành quy định cụ thể. Ngoài ra cần ban hành những văn bản chính sách có liên quan đến việc đầu tư tại Việt Nam, hoặc những chính sách về thuế cho hoạt động khởi nghiệp.

Ngoài ra các văn bản chính sách có liên quan đến việc đầu tư tại Việt Nam cần được quy định rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam, ví dụ các nhà đầu tư từ nước ngoài muốn đưa tiền vào Việt Nam đầu tư cho khởi nghiệp được phép chuyển tiền ra khỏi Việt Nam khi DN làm ăn tốt. Hoặc những chính sách về thuế cho hoạt động khởi nghiệp cần phải nhìn tổng thể vào các dự án họ đầu tư chứ không thể đánh thuế trên một dự án thành công, mà cần đánh giá ngay trên những dự án thất bại… như vậy sẽ khuyến khích họ đầu tư vào Việt Nam.

Chúng ta cần phải đảm bảo môi trường pháp lý, công khai minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin, các thủ tục thành lập, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp cho các nhà đầu tư, các nhà khởi nghiệp biết để dễ dàng thâm nhập vào kho cơ sở dữ liệu, điều đó mới giúp cho hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam thuận lợi.

Một trong những yếu tố quan trọng việc khởi nghiệp đó là kêu gọi được các nhà đầu tư. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có những bước đi như thế nào để hỗ trợ vấn đề này cho các startup?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Liên quan đến vấn đề đầu tư cho các khởi nghiệp của Việt Nam, chúng tôi đã và đang huy động nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa. Đề nghị các Quỹ như Quỹ đổi mới sáng tạo Quốc gia, Dự án Fist….là những nơi có nguồn lực để giúp cho hoạt động khởi nghiệp và đưa những nội dung khởi nghiệp vào để nhận được sự hỗ trợ.

Đối với các Quỹ nước ngoài, chúng tôi tạo ra các hoạt động liên kết, đưa các khởi nghiệp đến làm việc với các Quỹ trong và ngoài nước. Đưa các khởi nghiệp sang các nước mạnh về khởi nghiệp như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, Isarel…có thể gặp gỡ, trao đổi bàn luận và đi đến những hợp tác đầu tư hỗ trợ cho các strarup Việt Nam.

Được biết vào ngày 12-13/11 tới Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (TECHFEST Vietnam 2016) sẽ chính thức được tổ chức. TECHFEST Vietnam năm nay liệu có dấu mốc quan trọng cho phong trào khởi nghiệp đang “sôi sục” hiện nay?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Bộ KH&CN coi đây là một sự kiện lớn của Bộ KH&CN và Quốc gia, là một “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia” và có mời khách quốc tế tham dự.

Để thực hiện tốt sự kiện này, thời gian qua Bộ KH&CN đã phối hợp tốt với các Bộ, ngành để chuẩn bị với quy mô lớn hơn vào cuối năm 2016. Qua đó Bộ KH&CN cũng muốn nhìn lại một năm thực hiện phong trào khởi nghiệp quốc gia và khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo (ĐMST). Đây là những khởi nghiệp có nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng đưa vào trong doanh nghiệp (DN), đồng thời khẳng định đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) vào phát triển Kinh tế, Xã hội (KT-XH) của đất nước.

TECHFEST có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một ngày hội, một sự kiện có thương hiệu quốc tế nơi các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận với khách hàng tiềm năng, các nhà đầu tư, các chuyên gia đầu ngành về công nghệ, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và truyền thông trong nước và quốc tế.

Không chỉ giới thiệu, kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp nổi bật của Việt Nam và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với nhau và với hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực, sự kiện còn hướng tới quảng bá các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp; các sản KH&CN tiêu biểu của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.

Techfest 2016 với mục tiêu kết nối những người khởi nghiệp với những nhà đầu tư ở trong nước và nước ngoài với mong muốn tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Năm nay quy mô của khởi nghiệp Techfest 2016 cũng gấp đôi so với năm 2015 từ số lượng người tham gia, các Quỹ đầu tư, các Doanh nghiệp khởi nghiệp…

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Hùng