Thứ hủy diệt nền văn minh Maya có thể quay lại, khiến loài người gặp nguy?

Minh Khôi

(Dân trí) - Các nghiên cứu chỉ ra "mối liên kết bền vững" giữa con người và môi trường sau khi phân tích kĩ lưỡng sự sụp đổ của nền văn minh Maya cổ đại.

Thứ hủy diệt nền văn minh Maya có thể quay lại, khiến loài người gặp nguy? - 1

Di tích những ngôi đền của nền văn minh Maya còn lại đến ngày nay (Ảnh: Wiki).

Biến đổi khí hậu, ấm lên toàn cầu, hiệu ứng nhà kính... đang là những vấn đề "nóng" được thảo luận xuyên suốt các diễn đàn và tổ chức khoa học trên thế giới.

Mới đây, các nhà nghiên cứu một lần nữa cảnh báo hậu quả từ biến đổi khí hậu sau khi xem xét lại lịch sử 800 năm hình thành và phát triển của nền văn minh Maya cổ đại. Theo đó, Mayapan - thủ đô văn hóa và chính trị của người Maya trên bán đảo Yucatán vào thế kỷ 13 và 14 sau CN, có thể đã bị hạn hán hủy diệt.

Cụ thể, theo các nhà nghiên cứu, một đợt hạn hán khủng khiếp xảy ra vào thời kỳ này đã dẫn đến những xung đột dân sự, và sau đó kéo theo những sụp đổ về mặt chính trị của nền văn minh này.

"Hạn hán kéo dài đã làm leo thang căng thẳng của những phe đối địch", các nhà nghiên cứu viết trong một bài đăng trên tạp chí Nature. "Nhiều nguồn dữ liệu cho thấy xung đột dân sự đã gia tăng đáng kể và mô hình tuyến tính tổng quát tương quan với xung đột trong các thành phố đều bao gồm điều kiện hạn hán, kéo dài từ năm 1400 đến năm 1450 sau CN".

Rõ ràng, ngoài việc cung cấp cho chúng ta cái nhìn chân thực về lịch sử của nền văn minh này, nghiên cứu mới cũng là một lời cảnh báo rằng sự thay đổi khí hậu có thể nhanh chóng gây áp lực lên ngay cả những nền văn minh thịnh vượng và lâu đời nhất.

Thứ hủy diệt nền văn minh Maya có thể quay lại, khiến loài người gặp nguy? - 2

Thay đổi khí hậu có thể gây áp lực lên ngay cả những nền văn minh thịnh vượng và lâu đời nhất như Maya cổ đại.

Để đưa ra kết luận này, nhóm nghiên cứu đã dựa trên những phân tích chuyên sâu về hài cốt của người Maya cổ, nhằm tìm ra các dấu hiệu về sự chấn thương tâm lý, mà một trong số đó được hình thành do việc phải chịu đựng khí hậu khắc nghiệt trong thời gian dài.

Cùng với đó, họ kết hợp các mối tương quan hiện hữu xuất hiện trong đời sống, như giữa việc tăng lượng mưa dẫn tới dân số gia tăng trong khu vực, hay ngược lại là giảm lượng mưa dẫn tới gia tăng xung đột.

Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra rằng việc thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp và các tuyến đường thương mại, gây căng thẳng cho cư dân người Maya. Khi lương thực trở nên khan hiếm và thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, mọi người hoặc là chết đói hoặc ly tán.

Bên trong ngôi mộ tập thể nằm tại một thành phố bị bỏ hoang, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy nhiều hài cốt có thể thuộc về các thành viên gia đình Cocoms (tương đương như nguyên thủ quốc gia thời nay). Điều này cho thấy một kết cục đẫm máu có thể đã xảy ra do các phe phái xung đột và bất ổn xã hội.

Các nhà nghiên cứu cho biết, đó là minh chứng cho thấy tồn tại một "mối liên kết bền vững" giữa con người và môi trường, và giờ đây, phần còn lại của thế giới một lần nữa lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu với mức độ thậm chí còn lớn hơn.