Vệ tinh chụp lại cảnh nắng nóng như "địa ngục" ở châu Âu
(Dân trí) - Châu Âu đang ấm lên nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới trong mùa hè năm 2022.
Vương quốc Anh nói riêng và khu vực châu Âu nói chung đang trải qua một mùa hè khó khăn, khi mức nhiệt ghi nhận đã vượt xa rất nhiều so với phạm vi của một mùa hè thông thường. Theo thống kê từ chính quyền các nước, khoảng 1.100 người đã thiệt mạng vì đợt nắng nóng khắc nghiệt ở Nam Âu.
Bằng cách so sánh hình ảnh do vệ tinh Sentinel-2 chụp lại các khu vực tại châu Âu từ giữa tháng 6 cho tới trung tuần của tháng 7, đã cho thấy cảnh quan xanh tươi ở một số quốc gia chuyển sang màu nâu khô, do hạn hán.
Vệ tinh cũng đồng thời chụp lại được hình ảnh của những đám cháy rừng kinh hoàng, với lửa và những cột khói cuộn lên dữ dội. Tại thời điểm hiện tại, các nhân viên cứu hỏa vẫn đang "chiến đấu" với nhiều đám cháy ở Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Croatia và Bồ Đào Nha.
Điển hình như khu vực nổi tiếng như địa phận trồng nho xung quanh thành phố Bordeaux, ở tây nam nước Pháp, thì nay cũng tràn ngập trong "biển lửa".
Theo các nhà khí tượng học, năm 2022 dường như đang có xu hướng trở thành một trong những năm nóng nhất lịch sử tại châu Âu. Đáng lo ngại hơn, điều này đã ngầm xác nhận một số giả thuyết đáng lo ngại, khiến các nhà khí tượng học và chuyên gia khí hậu lo ngại.
Đó chính là hiện tượng ấm lên toàn cầu đang ngày một diễn ra nhanh và mạnh hơn.
Theo dữ liệu từ Copernicus, châu Âu đang ấm lên nhanh hơn so với các khu vực khác trên thế giới, với nhiệt độ trung bình đã cao hơn 4 độ F (tương đương 2,2 độ C) so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mức độ ấm lên này cũng đã vượt quá giới hạn toàn cầu là 2,7 độ F (1,5 độ C) mà cộng đồng khoa học toàn cầu mong muốn để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.
Trước đó vào năm 2021, châu Âu cũng ghi nhận năm nóng nhất trong nhiều năm trở lại đây, khi mức nhiệt trung bình tăng 2,2 độ F (1,2 độ C) so với giai đoạn từ 1991 - 2020.
Hiện tượng ấm lên toàn cầu xảy ra do đâu?
Biến đổi khí hậu, bao gồm cả ấm lên toàn cầu, xảy ra chủ yếu là do lượng khí nhà kính (với tỷ lệ carbon dioxide - CO2 - chiếm tới 90%) từ con người phát thải vào bầu khí quyển. Hệ quả của nó là những thay đổi quy mô lớn trong các mô hình thời tiết, ảnh hưởng sâu rộng tại nhiều khu vực trên Trái Đất.
Mặc dù trong quá khứ cũng từng có những giai đoạn biến đổi khí hậu, nhưng sự thay đổi này chỉ thực sự rõ rệt trong giai đoạn từ giữa thế kỷ 20, khi con người đã có những tác động chưa từng thấy lên hệ thống khí hậu Trái Đất và gây nên sự biến đổi trên quy mô toàn cầu.
Các nguồn gây ra khí nhà kính chủ yếu đến từ hành động đốt nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên), khí thải từ nông nghiệp, phá rừng, và sản xuất công nghiệp.
Hiện, không có cơ quan khoa học quốc gia hay quốc tế uy tín nào phản bác quan điểm con người gây ra biến đổi khí hậu.
Trong Hiệp định Paris được ký năm 2015, các quốc gia đã cùng nhau nhất trí giữ mức ấm lên "không tiệm cận 2,0 độ C" thông qua những nỗ lực giảm thiểu khí nhà kính. Tuy nhiên, nhiều dự đoán cho rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu vẫn sẽ đạt ngưỡng 2,8 độ C cho đến hết thế kỷ này.
Để hạn chế mức tăng này xuống 1,5 độ C, đến năm 2030, con người phải giảm một nửa lượng khí thải so với hiện nay, và đến năm 2050 giảm xuống gần bằng 0.