1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Thời tiết ấm lên có hạn chế sự lây lan của virus corona không?

(Dân trí) - Nhà virus học người Đức Thomas Pietschmann giải thích vì sao chúng ta có hi vọng khi thời tiết ấm lên và vì sao nữ giới có khả năng chống lại Covid-19 tốt hơn nam giới.

Thời tiết ấm lên có làm chậm sự lây lan của virus corona không? Nếu mọi việc đều tiến triển tốt thì khả năng virus corona cũng sẽ giống như virus cúm mùa. Như vậy khi nhiệt độ tăng, mầm bệnh sẽ bị tiêu diệt. Mùa của virus corona sẽ qua đi giống như những đợt cúm hàng năm, bắt đầu vào mùa lạnh và qua đi khi tiết trời ấm lên.

Tuy vậy vẫn còn quá sớm để kết luận virus corona có giống virus cúm mùa hay không. Nhà virus học Pietschmann nói rằng ngay cả các chuyên gia vẫn chưa đoán được đường đi của virus này bởi vì “thẳng thắn mà nói, chúng ta hầu như chưa biết gì về nó”.

Thời tiết ấm lên có hạn chế sự lây lan của virus corona không? - 1

Pietschmann là nhà virus học phân tử ở Trung tâm Nghiên cứu Lây nhiễm thí nghiệm và lâm sàng (Twincore), Hanover, Đức. Ông chuyên nghiên cứu về các virus RNA, và virus corona thuộc nhóm này.

Virus ư? Chưa biết!

Ông Pietschmann nói rằng điều đặc biệt của virus corona mới này nằm ở chỗ đây là lần đầu tiên nó tấn công con người. Dữ liệu thu thập ở Trung Quốc cho phép chúng ta kết luận rằng nó mới chỉ lây từ động vật sang người duy nhất 1 lần rồi sau đó lây lan rộng ra.

Hầu như ai cũng bị nhiễm virus cúm mùa vào một thời điểm nào đó trong đời vì thế cơ thể chúng ta ít nhiều đã được làm quen với các virus này, nhưng virus corona thì khác, hệ miễn dịch của chúng ta chưa được chuẩn bị để chịu sự tấn công của mầm bệnh corona.

Bên cạnh đó, các điều kiện môi trường ở bán cầu Bắc hiện đang là thời điểm thuận lợi cho sự lây lan của virus, một trong số đó là nhiệt độ. Các virus lây qua đường hô hấp có thể dễ dàng lây trong thời tiết lạnh, chúng có sự ổn định vững chắc hơn ở môi trường nhiệt độ thấp, giống như thức ăn được bảo quản tốt hơn khi cất trong tủ lạnh vậy – ông Pietschmann giải thích.

Lạnh và khô, tuyệt vời!

Trời càng ấm lên thì virus càng không ưa. Virus corona được bao bọc bởi một lớp lipid (chất béo). Lớp bảo vệ này không chịu được nhiệt, có nghĩa là khi nhiệt độ tăng thì virus dễ bị tiêu diệt. Các loại virus khác, như là virus noro, thì khỏe hơn vì thành phần chủ yếu của chúng là protein và nguyên liệu di truyền.

Đối với các mầm bệnh khác, nhiệt độ chỉ đóng vai trò phụ. Ví dụ virus sốt xuất huyết chủ yếu gây bệnh ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhưng vấn đề chính không phải do các vùng này có nhiệt độ cao mà là do loài vật truyền virus này ưa sống ở vùng có nhiệt độ cao.

Độ ẩm không khí cũng ảnh hưởng đến khả năng lây lan của các virus đường hô hấp. Một khi mầm bệnh thoát ra khỏi đường hô hấp qua một cái hắt hơi, chúng sẽ bay vào không khí. Vào những ngày mùa đông thường là lạnh và khô, các giọt bắn mang virus sẽ lơ lửng trong không khí lâu hơn những ngày trời ẩm.

Bằng cách đó, mầm bệnh lây lan rất nhanh. Tuy nhiên, ban đầu chúng lây lan rất lặng lẽ và bí mật. Từ khi tiếp xúc lần đầu với mầm bệnh đến khi có triệu chứng bệnh, thời gian có thể đến vài tuần. Thời gian ủ bệnh ngắn hay dài tùy thuộc vào đặc điểm của virus.

Nhiễm sắc thể XX và nội tiết tố nữ

Sốt, đau nhức và yếu mệt là những triệu chứng điển hình của các bệnh do virus gây ra và cũng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chiến đầu chống lại virus. Cuộc chiến này thành công đến đâu không chỉ tùy thuộc vào độ tuổi và sức khỏe của người bệnh mà còn vào giới tính của người đó. Trong trường hợp nhiễm virus corona, số liệu cho thấy nữ giới có cơ hội sống sót cao hơn nam giới, tỉ lệ chết ở nam giới là 2,8%, còn nữ giới là 1,7%.

Theo ông Pietschmann, sự khác biệt này là do di truyền. Một số gen về miễn dịch, ví dụ như gen chịu trách nhiệm nhận biết mầm bệnh, được mã hóa trên nhiễm sắc thể X. Và vì nữ giới có 2 nhiễm sắc thể X trong khi nam giới chỉ có 1, nên nữ giới có cơ hội sống cao hơn khi cơ thể nhiễm virus corona.

Nội tiết tố nữ (estrogen) cũng giúp phụ nữ chống lại các bệnh virus tốt hơn. Một số gen liên quan đến miễn dịch cũng có những điểm kết nối với estrogen, tại những điểm này, các gen đó được phát huy tác dụng. Điều này có nghĩa là hóc môn cũng điều khiển các gen liên quan đến miễn dịch.

Có thể mùa corona rồi sẽ qua đi khi thời tiết ấm lên ở bán cầu Bắc. Tuy vậy, theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có hơn 20 ca nhiễm virus corona mới ở Úc và Brazil, là những nước ở bán cầu Nam, những nơi này thì mùa đông chưa sớm kết thúc.

Phạm Hường 

Theo DW