Thói quen kỳ lạ của hươu cao cổ khi đi tìm bạn tình

Minh Khôi

(Dân trí) - Chiều cao "lênh khênh" khiến hươu cao cổ gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực đi tìm kiếm bạn tình.

Thói quen kỳ lạ của hươu cao cổ khi đi tìm bạn tình - 1

Hươu cao cổ, cũng như đa số các loài động vật ăn cỏ thuộc bộ guốc chẵn khác như dê, linh dương, hươu... có chung một cách tìm kiếm bạn tình. Đó là chúng phải ngửi... nước tiểu của con cái để xem liệu "đối tác" có phù hợp hay không.

Thế nhưng với đặc điểm là chiếc cổ dài "lênh khênh", việc chạm xuống đất để đánh hơi vũng nước tiểu đối với hươu cao cổ thực sự là một thử thách.

Tò mò trước câu trả lời, các nhà khoa học đã quan sát chi tiết loài hươu cao cổ, để tìm hiểu xem chúng giải quyết vấn đề này ra sao.

Rốt cuộc, họ vô cùng bất ngờ vì hươu đực đã tìm ra một giải pháp khá... mất vệ sinh. Đó là nhân lúc bạn tình của mình "giải quyết nỗi buồn", chúng rúc đầu xuống gần cơ quan sinh dục để... kiểm tra.

Sở dĩ phải sử dụng cách này là bởi mối liên hệ ở mũi hươu cao cổ bị hạn chế, có lẽ do ảnh hưởng bởi chiều cao quá mức của chúng.

Trong một số trường hợp, hươu cao cổ đực còn thúc giục bạn tình của mình "làm chuyện ấy", để chúng có cơ hội kiểm tra một cách hiệu quả. Chúng thậm chí hứng trọn "dòng nước" bằng một lỗ chuyên biệt phía trên vòm miệng.

Thói quen kỳ lạ của hươu cao cổ khi đi tìm bạn tình - 2

Hươu cao cổ đang "kiểm tra" bạn tình của mình để xem liệu nó có phải là đối tác phù hợp (Ảnh: Lynette Hart).

"Nó huých con cái vài lần", Lynette Hart, môt nhà khoa học động vật tại Đại học California giải thích. "Bằng cách này, con đực muốn nói rằng: Hãy đi tiểu ngay bây giờ. Và bất ngờ là con cái rất sẵn sàng làm điều đó".

Bằng cách quan sát bầy hươu cao cổ tụ tập tại khu vực đầm nước ở Công viên Quốc gia Etosha (Nam Phi), Hart kể lại rằng ông từng chứng kiến cảnh tượng những con đực "tra tấn" một con cái khoảng 102 lần mỗi ngày, chỉ để tìm hiểu xem liệu nó có dễ sinh con hay không".

Đây là một trong những thói quen hiếm hoi của hươu cao cổ khi chúng hạ thấp chiếc đầu của mình. Thông thường, việc làm này đối với chúng là quá mạo hiểm, vì khiến hươu dễ gặp bất lợi khi đối phó với những tình huống nguy hiểm.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), số lượng quần thể hươu cao cổ trong tự nhiên vẫn đang tiếp tục giảm, chủ yếu do mất môi trường sống, nạn săn trộm và biến đổi khí hậu.

Vào năm 2016, một nghiên cứu xác định số lượng của hươu cao cổ có thể giảm mạnh tới 40% trong 3 thập kỷ tới. Chúng cũng được coi là một trong những loài vật dễ bị tổn thương nhất ở danh mục các loài bị đe dọa của IUCN.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm