Theo dõi sức khỏe trẻ sơ sinh bằng miếng dán không dây thế hệ mới
(Dân trí) - Loại cảm biến da này rất mỏng, nhẹ, dễ thao tác và hoàn toàn tương thích với làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh.
Những miếng dán da không dây, thu thập thông tin quan trọng của trẻ sơ sinh có thể là phương thức an toàn, dễ dàng hơn để theo dõi tình hình các trẻ sinh non và ốm yếu trong bệnh viện.
Mỗi năm, khoảng 300.000 trẻ sơ sinh ở Mỹ được nhận vào các phòng chăm sóc đặc biệt dành cho nhóm đối tượng này (NICU), bao gồm những trẻ sinh non mắc bệnh tim, khó thở và nhiều biến chứng y tế khác. Các bác sĩ cần phải liên tục theo dõi nhiều chỉ số quan trọng của những bệnh nhân nhỏ bé này , và điều đó thường liên quan đến việc gắn cho trẻ các cảm biến cứng nối dây với máy móc xung quanh nôi (trung bình là 5-6 cảm biến).
Nhưng chất dính trên các cảm biến này, không những hạn chế cử động mà còn có thể có hại cho làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh, và cũng gây khó khăn cho người chăm sóc trẻ khi việc tiếp xúc da đầu đời là rất quan trọng theo một nghiên cứu năm 2017. Các cảm biến không dây mới, được mô tả trên tạp chí Sciencen ngày 1 tháng 3, được thiết kế để tránh những vấn đề đó.
Mỗi miếng dán bao gồm một lớp điện tử siêu mỏng kẹp giữa các tấm silicon mềm và dẻo. Miếng dán trên ngực (kích thước 5 cm x 2,5 cm) hoặc lưng (2,5 cm x 2 cm) của trẻ sơ sinh sử dụng các điện cực để theo dõi nhịp tim của trẻ. Miếng dán thứ hai ở tay hoặc chân, chiếu đèn LED vào da để đo mức độ hấp thụ ánh sáng của mô, từ đó tính toán lượng oxy trong máu. Cả hai cảm biến đều có chức năng đo nhiệt độ cơ thể.
Cấu tạo miếng dán thế hệ mới. Ảnh: scienceblog.
Cặp cảm biến liên tục truyền thông tin đến các máy tính hoặc máy tính bảng gần đó. Một thuật toán sẽ sử dụng các dữ liệu nhận được để tính nhịp tim, nhịp thở, mức oxy trong máu và huyết áp của trẻ sơ sinh. Trong thử nghiệm với 21 trẻ sơ sinh mắc bệnh (trường hợp sinh non sớm nhất là 28 tuần), các miếng dán da đã cung cấp được những chỉ số quan trọng của trẻ tương tự như cảm biến gắn dây thông thường.
Miếng dán silicon siêu nhẹ này tự dính vào da mà không cần phải phủ keo, nên dễ dàng thao tác trên da trẻ sơ sinh, theo Steve Xu, đồng tác giả nghiên cứu, bác sĩ chuyên khoa tại trường Y khoa Feinberg ở Chicago. “Giống như 2 miếng pho mát Mỹ đặt lên nhau vậy”, ông cho biết. Không có keo, những cảm biến mới này cũng dễ bóc ra hơn - điều đặc biệt quan trọng đối với trẻ sinh non, “những đứa trẻ cực kỳ dễ tổn thương vì da chưa phát triển”, Xu nói.
Ngoài việc thuận tiện cho theo dõi và sắp xếp, các miếng dán này còn có tác dụng giảm nguy cơ nhiễm trùng và giảm đau. Dù có cảm biến bên trong, không cần gỡ miếng dán ra khi đưa trẻ đi chụp X quang, cắt lớp hay cộng hưởng từ.
Trẻ sơ sinh không phải đối tượng duy nhất được hưởng lợi từ công nghệ này, theo Amy Paller, đồng tác giả và là nhà nghiên cứu da liễu trẻ em ở trường Y khoa Feinberg. Nó có thể dùng cho bất cứ ai có da nhạy cảm, chẳng hạn như nạn nhân bỏng hoặc những người mắc chứng rối loạn da di truyền.
Tùng Anh
Theo Sciencenews