Thế giới giống địa cầu hiện ra trong bản đồ ngoài hành tinh
Sự giống nhau đến kinh ngạc của địa hình Trái Đất và mặt trăng Titan của Sao Thổ đã tạo nền tảng cho các nhà thiên văn trong việc lập bản đồ sông ngòi trên thế giới ngoài hành tinh này.
Nghiên cứu vừa công bố trên Planetary Science Journal đã đưa ra một bản đồ chi tiết về hệ thống sông ngòi, kênh rạch trên mặt trăng Titan, được mô tả là một thế giới có "địa hình mê cung".
Bản đồ này, dựa trên các quan sát quý giá từ tàu Cassini của NASA, cung cấp cảnh quan rất giống với bản đồ sông ngòi trên Trái Đất. Tuy nhiên theo nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Alex Hayes từ Khoa Thiên văn Đại học Cornell, trong khi hệ thống thủy văn của Trái Đất dựa trên nước, thì thứ thay thế cho nước ở mặt trăng Titan là metan và etan dạng lỏng, lấp đầy các kênh, hồ, sông và biển.
Theo Sci-News, hiểu được các đặc điểm của hệ thống sông ngòi đặc biệt này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu được hệ thống vận chuyển trầm tích của mặt trăng cũng như hệ thống địa chất bên dưới.
"Chúng cho bạn biết cách vật liệu hữu cơ được vận chuyển xung quanh bề mặt Titan và xác định các vị trí mà vật liệu có thể tập trung gần các vị trí mang dấu hiệu của hoạt động kiến tạo, hoặc thậm chí có thể là những núi lửa băng. Hơn nữa những vật liệu hữu cơ đó có thể được vận chuyển xuống các đại dương ngầm chứa nước lỏng thực sự của Titan, hoặc là thứ từ bên dưới được vận chuyển lên bề mặt" - ông giải thích thêm.
Để vẽ nên bản đồ này, các nhà khoa học đã dùng chính hình ảnh radar trên Trái Đất để làm nền tảng, bởi bề mặt hai thiên thể vốn rất giống nhau.
Những bản đồ này sẽ cung cấp dữ liệu để định hướng cho sứ mệnh Dragonfly của NASA - dự kiến khởi động vào năm 2027, đến Titan năm 2034 - với mục tiêu nghiên cứu sâu hơn và tìm kiếm sự sống trên thế giới mà NASA từng mô tả là bản sao ngoài hành tinh của Trái Đất.