1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Thần kinh học trong giáo dục giúp hoàn thiện phương pháp sư phạm

(Dân trí) - Mục tiêu chính của Thần kinh học trong giáo dục là để hiểu những phương thức hoạt động bên trong bộ não của trẻ khi chúng học – nhằm cải cách và tiến tới hoàn thiện phương pháp sư phạm để trẻ học dễ hơn, nhanh hơn và đạt kết quả tốt hơn.

Thần kinh học trong giáo dục là một khoa học mới, ra đời khoảng mười năm nay và hiện phát triển rất nhanh. Bài này nói về sự góp công của giáo sư Olivier Houdé ở Đại Học Sorbonne Paris Cité.

Khoa học này ra đời và phát triển chủ yếu là nhờ sự trợ lực của máy chụp cộng hưởng từ sinh hoạt (Scanner à Résonnance Magnétique Nucléaire fonctionnelle - IRMf) giúp các nhà khoa học quan sát hoạt động của não bộ trong lúc trẻ học.


Thần kinh học trong giáo dục giúp hoàn thiện phương pháp sư phạm

Thần kinh học trong giáo dục giúp hoàn thiện phương pháp sư phạm

Đóng góp của ông Olivier Houdé có thể tóm lược bằng sự phân biệt hai cách dạy và học sử dụng hai phần não khác nhau: Cách đầu tiên là cách gây phản ứng “tự động” - để có phản ứng này, thầy và trò dùng phương pháp lặp đi lặp lại nhiều lần – như để học thuộc lòng một danh sách nhiều chữ, Ở đây phần não trước trán (préfrontale) hoạt động. Đa phần các phương pháp sư phạm truyền đạt kiến thức theo kiểu này. Não của trò được “huấn luyện” để “tích lũy” kiến thức.

Thế nhưng, khi trò đứng trước một “nghịch lý”, phải suy nghĩ, phải từ bỏ “phản ứng tự động” đã được tích lũy trước đó thì trò phải dùng phần não phía sau và phần dưới vỏ não (partie postérieure và sous-corticale).

Đây là cách dạy trò từ bỏ các “phản ứng tự động” để suy nghĩ, cân nhắc và sáng tạo. Tức là những biểu hiện của ... thông minh.

Học là cần ghi nhớ nằm lòng một số kiến thức cơ sở. Nhưng nếu chỉ có học nằm lòng thôi thì các phần khác của não bộ không phát triển và kiến thức tích lũy thành vô dụng. Học còn là để biết vận dụng những kiến thức cơ sở đã tích lũy cho nhiều tình huống khác nhau. Tức là phải có khả năng vận dụng một cách “linh hoạt” và đồng thời biết từ bỏ những “phản ứng tự động” đề thích ứng với nhiều tình huống khác nhau..

Trong quá trình học của học sinh, máy scanner cho thấy là não của trẻ rực sáng đi từ phần vỏ não trước trán cho những kiến thức chỉ cần phản ứng tự động (ghi nhớ máy móc) – ở đây tác giả những dòng này nhớ tới các kiểu … ê a đọc theo thầy hồi xưa - sau đó khi cần, cho sinh hoạt thảo luận, tạo cơ hội cho suy luận, sáng tạo, cũng là lúc phần não phía sau rực sáng. Lúc này, trẻ em “đóng cửa” hoạt động của phần não phía trước dành cho sự ghi nhớ máy móc.

Dựa trên kết quả nghiên cứu như vậy, các nhà giáo dục học có căn cứ khoa học một cách tường minh để cải tiến phương pháp dạy và học sao cho có hiệu quả nhất.

Đối chiếu với thực tiễn giáo dục của nước ta, e ràng tình trạng học nhồi nhét kiến thức, tức là mới chú trọng khai thác hoạt động của phần não trước trán (préfrontale); còn chưa quan tâm việc dạy và học theo hướng coi trọng vận dụng kiến thức và biết sáng tạo trong những tình huống khác nhau, tức là chưa biết khai thác phần não phía sau và phần dưới vỏ não (partie postérieure và sous-corticale).

Đấy là điều thật đáng tiếc bởi cách dạy nhồi nhét kiến thức là chưa biết khai thác và phát triển toàn diện hoạt động não bộ của trẻ em cả phần não trước trán cũng như phần não phía sau và phần dưới vỏ não..Mà theo quy luật tự nhiên thì phần não nào ít được khai thác thì phần đó sẽ không có điều kiện phát triển tốt, thậm chí sẽ bị thui chột đần. Đáng lưu ý hơn là phần não chưa được chú trọng khai thác này lại là phần não làm chức năng phân tích, suy luận và sáng tạo, cơ sở ban đầu tạo ra khả năng sáng chế và phát minh cũng như những sáng tạo về văn học nghệ thuật trong suốt cuộc đời..

Nguyễn Huỳnh Mai

(Nhà xã hội học Bỉ)

*Sách tham khảo: Houdé O., Apprendre à résister. NXB Le Pommier, 2014.