Tên lửa phóng vệ tinh của Trung Quốc rơi gần khu dân cư

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Tên lửa đẩy Trường Chinh 3B của Trung Quốc dùng để phóng hai vệ tinh mới đây đã rơi gần khu vực đông dân cư ở tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc.

Tên lửa phóng vệ tinh của Trung Quốc rơi gần khu dân cư  - 1

Dòng tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc (Ảnh: RTBF).

Cách đây vài ngày, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc đã phóng hai vệ tinh cho hệ thống định vị Beidou (Bắc Đẩu).

Mạng lưới này, bao gồm các vệ tinh trong quỹ đạo địa tĩnh Trái Đất và quỹ đạo địa không đồng bộ nghiêng (IGSO), giúp đảm bảo vùng phủ sóng tín hiệu liên tục và ổn định cho các hệ thống định vị của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. 

Vụ phóng diễn ra từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 25/12/2023. Mặc dù hai vệ tinh đã được đưa thành công vào quỹ đạo tầm trung của Trái Đất (MEO), nhưng các động cơ đẩy hai bên của tên lửa Trường Chinh 3B đã rơi trở lại đất liền chứ không phải trên biển.

Lưu ý rằng, hệ thống tên lửa này không giống như dòng tên lửa Falcon 9 của SpaceX có thể tái sử dụng (hạ cánh trở lại bãi phóng). 

Hệ thống đẩy chính và phụ của tên lửa Trường Chinh 3B sử dụng hỗn hợp nhiên liệu đẩy siêu tốc gồm hydrazine và nitơ tetroxide.

Hydrazine là một hợp chất hóa học không màu, có mùi rất nồng. Chất này có tính phản ứng cao và thường được sử dụng làm nhiên liệu trong động cơ đẩy tên lửa do khả năng phản ứng tự phát với chất oxy hóa. 

Nó cũng được biết là độc hại và ăn mòn. Khi chúng ta để nó tiếp xúc với da hoặc hít phải sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm kích ứng da, hô hấp và tổn thương các cơ quan nội tạng.

Khoảnh khắc tên lửa Trung Quốc rơi và phát nổ được người dân phát hiện và quay lại (Nguồn: X).

Nitơ tetroxide là chất oxy hóa lỏng màu nâu đỏ được sử dụng làm thành phần nhiên liệu tên lửa.

Giống như hydrazine, nitơ tetroxide có tính phản ứng cực cao, tạo điều kiện thuận lợi cho lực đẩy tên lửa.

Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe. Hít phải hơi của nó có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Ngoài ra, tiếp xúc với da có thể dẫn đến bỏng và tổn thương. 

Trung Quốc trước đây từng bị chỉ trích vì để các mảnh vụn vũ trụ rơi xuống đất một cách không kiểm soát, đặc biệt là với tên lửa Trường Chinh 5. Rủi ro càng trở nên trầm trọng hơn khi quốc gia này xây dựng các bãi phóng trong đất liền. 

Đây không phải là lần đầu tiên tên lửa đẩy liên quan đến việc phóng vệ tinh Beidou rơi gần các khu vực dân cư. Năm 2019, một sự cố tương tự đã phá hủy một ngôi nhà.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm