Tàu vũ trụ Mỹ suýt va phải vệ tinh của Nga

Minh Khôi

(Dân trí) - NASA đã không thể làm gì để ngăn chặn sự cố này nếu như nó xảy ra.

Tàu vũ trụ Mỹ suýt va phải vệ tinh của Nga - 1

Hình ảnh mô phỏng về tàu vũ trụ TIMED của NASA trên quỹ đạo Trái đất (Ảnh: NASA).

Quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất hiện là nơi hoạt động của rất đông số lượng các vệ tinh và tàu vũ trụ từ khắp các quốc gia trên thế giới.

Mặc dù khoảng không là vô cùng rộng lớn, nhưng các nhà khoa học vẫn luôn lo sợ về một tai nạn hy hữu có thể vẫn xảy ra, để lại hậu quả khôn lường.

Mới đây, một tàu vũ trụ đang hoạt động của NASA đã suýt va phải một vệ tinh không còn hoạt động của Nga ở quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất. Sự việc xảy ra vào 13:30 chiều ngày 28/2 (theo giờ Việt Nam).

Thông tin từ NASA cho biết, họ nhận được cảnh báo chỉ khoảng 1 giờ trước khi hai thiết bị gồm tàu vũ trụ hoạt động trong sứ mệnh TIMED và vệ tinh Cosmos 2221 (đã ngừng hoạt động) suýt va chạm với nhau ở độ cao khoảng 600km từ mặt đất.

Với khoảng thời gian ít ỏi này, NASA cũng hoàn toàn "bó tay" vì họ không thể làm gì để ngăn chặn nếu tình huống xấu nhất xảy ra.

Sự cố giả định nếu như xảy ra, sẽ không chỉ hủy diệt vệ tinh của NASA, mà còn có khả năng bắt đầu một loạt các va chạm thảm khốc với các vật thể khác trên quỹ đạo.

Mặc dù các vụ va chạm kiểu này vẫn chưa từng xảy ra trong quá khứ, nhưng việc số lượng các vệ tinh và rác vũ trụ ngày càng gia tăng đã khiến nó trở thành một mối lo tiềm ẩn.

"Một vụ va chạm xảy ra có thể vô cùng thảm khốc, với rất nhiều mảnh vỡ gây cản trở hoạt động và làm hư hại các thiết bị khác trong khu vực", đại diện NASA và Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Được biết, Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang theo dõi sát sao ít nhất 30.000 mảnh vỡ trôi dạt trên bầu khí quyển, nhưng vẫn còn nhiều mảnh vụn vì quá nhỏ nên không thể theo dõi được.

Tàu vũ trụ Mỹ suýt va phải vệ tinh của Nga - 2

Rác vũ trụ là mối lo lớn vì ngày càng có nhiều vệ tinh và vật thể trôi dạt trong không gian (Ảnh: Getty).

Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), nhân loại đã phóng khoảng 12.170 vệ tinh kể từ năm 1957 và 7.630 vệ tinh trong số đó vẫn còn trên quỹ đạo ngày nay, nhưng chỉ có khoảng 4.700 còn hoạt động.

Điều đó có nghĩa là có gần 3.000 tàu vũ trụ không còn hoạt động vẫn đang bay quanh Trái đất với tốc độ khủng khiếp cùng với những mảnh vỡ lớn và nguy hiểm như thân tên lửa ở tầng trên.

Ngày 22/9/2023, một vụ va chạm nguy hiểm cũng suýt xảy ra trên quỹ đạo Trái Đất. Nạn nhân lần này là vệ tinh Cosmos 807 - trọng tải nặng 400 kg được Liên Xô phóng vào năm 1976 - và tầng tên lửa Trường Chinh 4C của Trung Quốc, nặng khoảng 2.000 kg, được phóng cách đây 5 năm.

Mỗi vật thể di chuyển với tốc độ khoảng 7,5 km/giây, và bay sượt qua nhau ở khoảng cách chỉ 36 mét, với xác suất va chạm là 0,1%, hay một phần nghìn.

Trước đó vào tháng 6/2021, rác không gian từng đâm thủng cánh tay robot của Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Trước đó, vào tháng 2/2009, một tàu vũ trụ đã ngừng hoạt động của Nga đâm vào tàu vũ trụ thương mại Iridium đang hoạt động của Mỹ.

Vụ va chạm khiến hai tàu vũ trụ bị phá hủy hoàn toàn đồng thời tạo ra hơn 2.300 mảnh rác vũ trụ lớn.