Tàu vũ trụ Mỹ lần đầu tiên hạ cánh xuống Mặt Trăng kể từ năm 1972

Minh Khôi

(Dân trí) - Thành công này đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đua tới Mặt Trăng của người Mỹ, và tạo tiền đề cho việc con người có thể đặt chân lên Mặt Trăng một lần nữa kể từ sứ mệnh Apollo lịch sử.

Tàu vũ trụ Mỹ lần đầu tiên hạ cánh xuống Mặt Trăng kể từ năm 1972 - 1

Hình ảnh mô phỏng tàu Odysseus hạ cánh trên Mặt Trăng (Ảnh: Intuitive Machines).

Tàu thám hiểm Odysseus, một sản phẩm do công ty tư nhân Intuitive Machines (Mỹ) chế tạo, đã chạm xuống gần cực nam Mặt Trăng vào lúc 6:53 sáng nay (23/2) theo giờ Việt Nam.

Đây được xem là cột mốc lịch sử trong ngành hàng không vũ trụ, khi một công ty tư nhân lần đầu tiên hạ cánh phương tiện lên Mặt Trăng. Đây cũng đánh dấu lần trở lại Mặt Trăng đầu tiên của Mỹ sau gần nửa thập kỷ, kể từ sứ mệnh Apollo 17.

Sứ mệnh lịch sử của người Mỹ

Tàu Odysseus thuộc sứ mệnh IM-1, mang theo 12 trọng tải, gồm các thiết bị khoa học, cất cánh từ ngày 15/2. Tàu tiến tới quỹ đạo Mặt Trăng vào ngày 22/2, nhưng gặp sự cố ở máy đo khoảng cách laser, khiến bộ phận này không thể hoạt động bình thường.

Nhóm quản lý sứ mệnh đã buộc phải đưa trọng tải thử nghiệm của NASA vào hoạt động nhằm thay thế chức năng quan trọng này. Cùng với đó, thời gian hạ cánh dự kiến cũng đã được lùi lại.

Giải pháp tình thế này rốt cuộc đã mang lại thành công mang tính lịch sử cho sứ mệnh Odysseus nói riêng, và Mỹ nói chung, khi tàu thăm dò của họ đã đáp xuống Mặt Trăng.

Vào lúc 5:11 sáng 23/2 (giờ Việt Nam), tàu Odysseus đốt động cơ chính trong 11 phút, sau đó dần giảm tốc độ để hạ xuống bề mặt Mặt Trăng. Vào lúc 5:23, tàu Odysseus hạ cánh nhẹ nhàng gần vành đai miệng hố Malapert A, cách cực nam Mặt Trăng khoảng 300 km.

Nhóm sứ mệnh IM-1 đã trải qua 15 phút căng thẳng để chờ tín hiệu phát đi từ tàu Odysseus, trước khi họ có thể khẳng định rằng mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp.

"Odysseus đã tìm được ngôi nhà mới của mình", Tim Crain, Giám đốc sứ mệnh Odysseus, phát đi thông báo trên trang Twitter cá nhân. "Thiết bị của chúng tôi đang ở trên Mặt Trăng và chúng tôi đang truyền tín hiệu".

"Đó là một chiến thắng! Odysseus đã chiếm được Mặt Trăng", ông Bill Nelson, Tổng giám đốc NASA cho biết trong một tin nhắn video. "Chiến công này là một bước nhảy vọt khổng lồ của toàn nhân loại".

Quân bài chiến lược của Mỹ trong cuộc đua lên Mặt Trăng?

Nhiệm vụ chính của Odysseus khi đáp được xuống bề mặt Mặt Trăng là khảo sát môi trường, các tài nguyên và nguy cơ tiềm ẩn để chuẩn bị cho sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, tàu đổ bộ và các trọng tải của nó sẽ hoạt động trong khoảng 7 ngày Trái Đất trên bề mặt Mặt Trăng.

Sau đó, tàu thăm dò sẽ bước vào giai đoạn ngừng hoạt động, vì nó không được thiết kế để sống sót trong cái lạnh buốt giá của màn đêm trên Mặt Trăng (thường kéo dài 2 tuần).

Được biết, NASA đóng góp một phần không nhỏ trong sứ mệnh, mặc dù họ không trực tiếp tham gia vào các khâu vận hành.

Do đó, đây cũng sẽ là "trái ngọt" đầu tiên từ Chương trình khám phá Mặt Trăng Artemis của NASA trong bối cảnh Mỹ chạy đua để đưa phi hành gia lên Mặt Trăng trước Trung Quốc.

Một số chính trị gia đã mô tả IM-1 như một cuộc đua lên Mặt Trăng, hay nói cách khác là cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc để giành quyền thiết lập các tiền lệ và chuẩn mực ở vùng biên giới xa xôi ngoài Trái Đất.

Tuy nhiên, những người ủng hộ việc khám phá có xu hướng nhìn thấy khía cạnh tươi sáng hơn, nhấn mạnh việc khai thác tài nguyên Mặt Trăng sắp tới có thể giúp loài người lần đầu tiên mở rộng dấu chân của mình ra Hệ Mặt Trời.