1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tàu vũ trụ của Nga gặp tình huống khẩn cấp, sứ mệnh có nguy cơ đổ bể?

Minh Khôi

(Dân trí) - Sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên của Nga sau gần nửa thế kỷ có thể gặp phải rắc rối nghiêm trọng.

Tàu vũ trụ của Nga gặp tình huống khẩn cấp, sứ mệnh có nguy cơ đổ bể? - 1

Tàu vũ trụ Luna-25 trước thời điểm được đưa lên bệ phóng (Ảnh: Roscosmos).

Theo thông báo hôm 19/8 của cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, tàu vũ trụ Luna-25 hiện đang gặp tình huống khẩn cấp trong quá trình đốt cháy động cơ.

"Trong quá trình hoạt động, một tình huống khẩn cấp đã xảy ra trên tàu, từ đó ngăn cản chúng tôi thực hiện các thao tác đã định", cơ quan này cho biết. "Đội ngũ quản lý hiện đang phân tích tình hình".

Nhà chức trách chưa rõ liệu vấn đề có ngăn tàu đổ bộ Mặt Trăng tiếp đất hay không. Tuy nhiên trên mạng xã hội tại Nga, một loạt tin đồn và kịch bản thất bại đã được lan truyền cùng hastag #Luna25.

Một số lập luận cho rằng nếu sự cố không nghiêm trọng, thì Roscosmos đã không bao giờ đề cập đến nó. Việc cơ quan này đề cập tới "tình huống khẩn cấp" cũng cho thấy sự cố gặp phải của tàu Luna-25 là không hề đơn giản.

Trong khi đó, một số người thậm chí cho rằng tàu vũ trụ này đã bị mất tích, và Roscosmos chỉ đang tìm cách để thông báo điều đó cho truyền thông. Nếu tàu Luna-25 thực sự gặp trục trặc, thì đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào chương trình vũ trụ của Nga.

Tàu vũ trụ của Nga gặp tình huống khẩn cấp, sứ mệnh có nguy cơ đổ bể? - 2

Sứ mệnh Mặt Trăng của Nga sau gần nửa thập kỷ có nguy cơ bị gián đoạn (Ảnh: Roscosmos).

Theo dự kiến, tàu sẽ hạ cánh gần cực nam của Mặt Trăng sớm nhất hôm 19/8. Chương trình Luna-25 đánh dấu nỗ lực đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng đầu tiên của Nga từ thời Liên Xô. Tàu đổ bộ trước đó là Luna 24 hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng vào ngày 19/8/1976.

Theo Roscosmos, tàu Luna-25 mang theo tổng cộng 8 thiết bị khoa học, có tổng trọng lượng 1.750 kg. Sau khi hạ cánh, tàu có khả năng khai quật đá regolith ngay trên Mặt Trăng, cũng như các máy dò neutron và gamma (ADRON-LR) nhằm tìm kiếm băng nước.

Họ cho rằng, hạ cánh ở cực nam của Mặt Trăng là cách duy nhất để chứng minh những giả thuyết khoa học về nước có thể tồn tại nơi đây dưới dạng băng lỏng. Tuy nhiên trước khi làm được điều này, tàu đổ bộ cần phải hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng.

Đây không phải là điều dễ dàng.

Lev Zeleny, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Vũ trụ Nga, cho biết họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho lần hạ cánh này. "Các kỹ sư của sứ mệnh ước tính rằng chúng tôi có 80% cơ hội thành công", ông Zeleny cho biết trước khi buổi phóng diễn ra.

Tính đến nay, có 3 quốc gia từng hạ cánh thành công lên Mặt Trăng, là Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Cách đây không lâu, vào tháng 4 năm ngoái, tàu thăm dò Hakuto-R của Nhật Bản cũng đã thất bại và bị rơi khi cố hạ cánh trên Mặt Trăng.

Theo www.space.com