Nga và Ấn Độ trong cuộc chạy đua đến cực nam của Mặt Trăng

Minh Khôi

(Dân trí) - Tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ và Luna-25 của Nga đang chạy đua để xem ai mới là người đầu tiên hạ cánh lên cực nam của Mặt Trăng.

Nga và Ấn Độ trong cuộc chạy đua đến cực nam của Mặt Trăng - 1

Tàu vũ trụ Luna-25 của Nga (trái) và Chandrayaan-3 của Ấn Độ (phải) trong cuộc đua tạo nên lịch sử (Ảnh: Roscosmos/ISRO).

Ngày 14/7, Ấn Độ khiến thế giới bất ngờ khi phóng thành công tàu đổ bộ Mặt Trăng Chandrayaan-3. Theo dự kiến, tàu sẽ hạ cánh lên cực nam của Mặt Trăng vào ngày 23/8.

Ở một diễn biến khác, Nga cũng thực hiện chuyến thăm Mặt Trăng đầu tiên kể từ năm 1976 bằng sứ mệnh Luna-25, được phóng ngày 10/8.

Mặc dù xuất phát chậm hơn, song tàu Luna-25 được cho là có thể hạ cánh khá gần với điểm đổ bộ của Chandrayaan-3 vào ngày 21/8, tức sớm hơn tới 2 ngày.

Việc có 2 sứ mệnh không gian cùng diễn ra, có chung đích đến, và điểm hạ cánh, là điều khá hy hữu. Theo giới chuyên môn, nó đã tạo ra hiệu ứng của một cuộc đua, để "đi vào lịch sử".

Hai sứ mệnh, chung một điểm đến

Hạ cánh ở cực nam của Mặt Trăng là cách duy nhất để chứng minh những giả thuyết khoa học về nước có thể tồn tại nơi đây dưới dạng băng lỏng.

Theo đó, cả Ấn Độ và Nga đều đã đặt mục tiêu hạ cánh xa hơn về phía nam so với bất kỳ lần hạ cánh xuống Mặt Trăng nào trước đây, với lần lượt là 69 và 72 độ về phía nam của đường xích đạo.

Theo Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos), tàu Luna-25 mang theo tổng cộng 8 thiết bị khoa học, có tổng trọng lượng 1.750 kg. Sau khi hạ cánh, tàu có khả năng khai quật đá regolith ngay trên Mặt Trăng, cũng như các máy dò neutron và gamma (ADRON-LR) nhằm tìm kiếm băng nước.

Nga và Ấn Độ trong cuộc chạy đua đến cực nam của Mặt Trăng - 2

Mặt Trăng sẽ liên tục đón tiếp các "vị khách" trong thập kỷ tới, trong bối cảnh ngày càng có nhiều sứ mệnh hướng tới nơi đây (Ảnh: NASA).

Trong khi đó, tàu đổ bộ Chandrayaan-3 Vikram chỉ mang theo 4 trọng tải, với 2 trong số đó là hệ thống máy quang phổ phân tích cảm ứng bằng laze (LIBS) và máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS).

Chúng sẽ đưa các đầu dò nhiệt vào bên dưới lớp bề mặt của Mặt Trăng, để nghiên cứu lớp đá regolith, nhằm tìm kiếm dấu hiệu của nước.

Từ quan điểm khoa học, sự mạnh dạn của cả Nga và Ấn Độ trong sứ mệnh lần này có thể sẽ mang đến nhiều đột phá, và cung cấp các dữ liệu quan trọng cho hành trình chinh phục Mặt Trăng của nhân loại.

Bên cạnh đó, cả hai nhiệm vụ của Nga và Ấn Độ đều nhằm mục đích chính là thử nghiệm và chứng minh công nghệ cho các cuộc đổ bộ mềm trong tương lai lên Mặt Trăng.

Tuy nhiên trước khi làm được điều này, hai tàu đổ bộ cần phải hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng. Đây không phải là điều dễ dàng.

Hạ cánh an toàn quan trọng hơn hạ cánh sớm

Mặc dù ý tưởng về một cuộc đua không gian sẽ khiến cho nhiều người thích thú. Song đối với các nhà khoa học, việc hạ cánh an toàn sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với hạ cánh sớm.

Cả Nga và Ấn Độ đều đã gặp phải những trục trặc trong các sứ mệnh quá khứ, và chắc chắn họ không muốn lặp lại điều này.

Nga và Ấn Độ trong cuộc chạy đua đến cực nam của Mặt Trăng - 3

Chỉ có 3 quốc gia duy nhất từng hạ cánh thành công lên Mặt Trăng, là Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc (Ảnh minh họa: Getty).

Đối với Nga, họ đã không hạ cánh trên Mặt Trăng kể từ thời Xô Viết. Nhiệm vụ cuối cùng của Liên Xô là Luna-24, đã được triển khai cách đây 47 năm.

Nhiệm vụ liên hành tinh gần nhất của Nga nhằm thu thập các mẫu từ Mặt Trăng thì thất bại, khi tàu không thể ra khỏi quỹ đạo tầm thấp của Trái đất vào năm 2011.

Hơn bao giờ hết, họ cần có một thành công để vực dậy niềm tin và tiếp tục cuộc đua vũ trụ với các cường quốc trên thế giới.

Còn đối với Ấn Độ, quốc gia này đang đặt tham vọng cùng với Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc trở thành những quốc gia thực hiện cuộc đổ bộ thành công lên Mặt Trăng.

Đó sẽ là một kỳ tích to lớn đối với đất nước này, nên họ chắc chắn không muốn vì vội vàng mà thất bại. Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết họ đã học được bài học từ nỗ lực hạ cánh thất bại của tàu vũ trụ Chandrayaan-2 vào năm 2019.

Trong khi đó, Lev Zeleny, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Vũ trụ Nga, cũng khẳng định họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho lần hạ cánh này. "Các kỹ sư của sứ mệnh ước tính rằng chúng tôi có 80% cơ hội thành công", ông Zeleny cho biết trước khi buổi phóng diễn ra.

Những nỗ lực đổ bộ lên Mặt Trăng gần đây của Israel và Nhật đã không diễn ra suôn sẻ, điều đó càng làm nổi bật thêm những thách thức phía trước mà 2 sứ mệnh phải đối mặt.

Liệu cả hai sứ mệnh có đều thành công, hay chỉ duy nhất một tàu đổ bộ làm nên lịch sử? Chỉ vài ngày nữa, chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời.

Theo www.space.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm