Tàu thăm dò Trung Quốc đi vào quỹ đạo sao Hỏa thành công
(Dân trí) - Vào ngày 10/2 lúc 19.52 giờ địa phương (18.52 theo giờ Hà Nội), tàu thăm dò đầu tiên của Trung Quốc mang tên Thiên Vấn-1 nghiên cứu sao Hỏa đã giảm tốc và đi vào quỹ đạo sao Hỏa thành công.
Trong một thông báo, ông Zhang Rongqiao, quan chức phụ trách sứ mệnh khám phá sao Hỏa cho biết: "Tàu Thiên Vấn-1 do Tập đoàn Khoa học Công nghệ Không gian Trung Quốc (CASC) phát triển đã tiến vào quỹ đạo xung quanh sao Hỏa như dự kiến. Hiện chúng tôi đang kỳ vọng vào sứ mệnh đáp xuống sao Hỏa thành công của tàu".
Trước đó, Tàu Thiên Vấn-1 được phóng vào vũ trụ ngày 23/7/2020, đánh dấu một bước đột phá trong chương trình thám hiểm các hành tinh của Trung Quốc. Nhiệm vụ của tàu thăm dò này là bay quanh quỹ đạo Sao Hỏa, mang theo một tàu đổ bộ và một robot tự hành với tổng trọng lượng khoảng 5 tấn để nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng trên Hành tinh Đỏ. Theo kế hoạch, Thiên Vấn-1 sẽ bắt đầu triển khai các hoạt động thám hiểm Sao Hỏa từ tháng 4/2021. Nếu sứ mệnh thành công, thiết bị sẽ gửi dữ liệu nhận được về Trái đất trong năm nay.
Vào tháng 4 năm 2020, Trung Quốc thông báo sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên của họ sẽ được gọi là Thiên Vấn-1 (Những câu hỏi về bầu trời). Nhiệm vụ bao gồm bay tới và quay trong quỹ đạo sao Hỏa, hạ cánh và di chuyển trên bề mặt của Hành tinh Đỏ. Nếu sứ mệnh thành công, các nhà khoa học sẽ có thể nghiên cứu bầu khí quyển, địa hình, đặc điểm địa chất, từ trường của hành tinh, từ đó giúp tìm ra manh mối về nguồn gốc và sự tiến hóa của sao Hỏa và toàn bộ hệ mặt trời.
Trong trường hợp này, mục tiêu chính của sứ mệnh là tìm ra những dấu hiệu khả dĩ của sự sống trên sao Hỏa, cũng như giúp các nhà khoa học hiểu được liệu các điều kiện trên hành tinh này có thể thay đổi trong tương lai để trở nên phù hợp với cuộc sống của con người hay không.
Được biết trước đó 1 ngày, trạm liên hành tinh tự động mang tên Hope của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đã đi vào quỹ đạo sao Hỏa.
Bộ máy thăm dò đi vào quỹ đạo của hành tinh Đỏ đúng theo kế hoạch ấn định vào lúc 19h42 theo giờ địa phương (tức 22h42 theo giờ Hà Nội) ngày 9/2, sau đó bắt đầu quá trình giảm tốc để tiến vào vùng giữ trọng trường. Bộ máy thăm dò đã bay gần 500 triệu km từ Trái đất đến Sao Hỏa.
Trạm liên hành tinh tự động mang tên Hope (Hy vọng) được phóng lên ngày 20/7/2020 trên tên lửa đẩy H-IIA của Nhật Bản từ địa bàn Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở Nhật Bản.
Tàu vũ trụ không người lái mà UAE thực hiện phóng lên sao Hỏa có khối lượng 1.500 kg bao gồm cả nhiên liệu và chiều dài chưa đến 3 mét. Tàu được trang bị ba cánh pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho việc sạc pin, tổng công suất hoạt động chỉ 477 watt, 3 công cụ cho phép tàu thăm dò nghiên cứu bầu khí quyển sao Hỏa mạnh mẽ hơn. Tàu cũng trang bị nhiều camera, bao gồm thiết bị cực tím và hồng ngoại, được thiết kế để theo dõi và phân tích khí hậu.
Tàu Hope là sản phẩm phát triển hợp tác giữa UAE, Trung tâm vũ trụ Mohammed Bin Rashid và một số viện giáo dục của Mỹ.
Như vậy tính đến thời điểm hiện nay có 6 nước trên thế giới chạm tới sao Hỏa gồm: Mỹ, châu Âu, Nga, Ấn Độ, UAE và Trung Quốc.
Cho đến nay, Sao Hỏa vẫn là một mục tiêu đầy thách thức trong công cuộc thám hiểm vũ trụ, khi hầu hết các sứ mệnh do Mỹ, Nga, châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ được triển khai từ năm 1960 đều kết thúc trong thất bại.