“Tàu ngầm” Hoàng Sa ra biển: Mới thử nghiệm ở trạng thái lặn nổi

(Dân trí) - Tại buổi họp báo thường kỳ Quý II, ông Đàm Bạnh Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Ngày 3/7 vừa qua, thiết bị lặn của anh Nguyễn Quốc Hòa mới được Bộ Quốc phòng thử nghiệm ở trạng thái lặn nổi và cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Khâu quan trọng nhất là thử nghiệm ở trạng thái lặn chìm sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

Như Dân trí đã đưa tin, vào sáng ngày 3/7, "tàu ngầm" Hoàng Sa của kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa đã được tàu Hải quân hộ tống ra biển để lần đầu tiên chạy thử trên biển do chính ông Nguyễn Quốc Hòa điều khiển trên vùng biển Đông Bắc.

Trước khi ra biển thử nghiệm lần đầu tiên, tàu ngầm Hoàng Sa do kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa (GĐ Công ty chế tạo cơ khí Quốc Hòa, ở thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) chế tạo, đã chạy thử nghiệm rất nhiều lần trong bể, sau đó là chạy thử nghiệm ở hồ với độ sâu khoảng 4m.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc
Thứ trưởng Phạm Công Tạc

Tại cuộc họp báo thường ký quý II, trước câu hỏi của báo chí, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đánh giá như thế nào về sự kiện này, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết: Sáng tạo của kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, bây giờ dùng phương tiện này đơn giản chỉ là tham gia du lịch thôi thì bắt buộc nó phải đảm bảo các tiêu chuẩn, kỹ thuật dành cho du lịch. Khi kỹ sư Hòa làm tàu Hoàng Sa thì Bộ KH&CN, Bộ quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân đã có sự tham gia đánh giá, xem xét.

Nhằm để cho dư luận có thông tin đầy đủ nhất, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã đề nghị Vụ trưởng Phạm Bạch Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, đơn vị theo sát sự kiện này cung cấp thông tin mới nhất về việc thử nghiệm tàu Hoàng Sa vừa qua.

Ông Dương cho hay: Theo Bộ Quốc phòng, vì sản phẩm của anh Hòa chưa được coi là tàu quân sự nên ta gọi là tàu lặn hoặc phương tiện lặn cho chính xác. Chúng ta cần phải hiểu rõ khái niệm như thế nào thì được gọi là tàu ngầm.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ KH&CN đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ quốc phòng, đăc biệt là Bộ Tư lệnh Hải quân để thực hiện chỉ đạo lên phương án thử nghiệm, đánh giá phương tiện lặn của kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa

Vụ trưởng Đàm Bạch Dương
Vụ trưởng Đàm Bạch Dương

Cũng theo Vụ trưởng Dương, ngày 3/7 vừa qua thì Bộ Tư lệnh Hải quân, cụ thể là Viện kỹ thuật Hải quân là đơn vị được giao chủ trì thực hiện thực nghiệm với phương tiện này. Theo quy trình của Bộ Tư lệnh Hải quân phê duyệt thì ngày 3/7 vừa qua mới thử nghiệm ở trạng thái lặn nổi chưa thử nghiệm ở trạng thái lặn chìm, nghĩa là còn phải có bước thứ 2 thử nghiệm ở trạng thái lặn chìm.

“Theo lời của đại diện Viện kỹ thuật Hải quân, do lời đề nghị rất là nhiệt tình của anh Nguyễn Quốc Hòa thì họ đã cho phép thử lặn một chút, việc thử này chưa phải theo quy trình do Bộ tư lệnh Hải quân phê duyệt. Dự kiến sẽ có buổi thứ 2 trong thời gian tới. Lúc đó mới có thể đánh giá đầy đủ phương tiện lặn của kỹ sư Nguyễn quốc Hòa có đạt được quy trình của Bộ tư lệnh Hải quân phê duyệt hay không. Khi việc thử nghiệm lặn hoàn thành thì sẽ có đánh giá và công bố cho dư luận được biết” – Vụ trưởng Đàm Bạch Dương nói.

Vụ trưởng Dương cũng tiết lộ: Hôm thử nghiệm bơi trên mặt biển thì về cơ bản phương tiện lặn của kỹ sư Hòa đáp ứng được các yêu cầu của Bộ Tư lệnh Hải quân. Tuy nhiên, quan trọng nhất đối với phương tiện lặn đó chính là khả năng lặn như thế nào. Chúng ta sẽ đợi khâu thử nghiệm thứ 2 để có đánh giá.

Tàu lặn Hoàng Sa mới đạt yêu cầu về lặn nổi. Khâu thử nghiệm lặn chìm sẽ được thực hiện trong thời gian tới
Tàu lặn Hoàng Sa mới đạt yêu cầu về lặn nổi. Khâu thử nghiệm lặn chìm sẽ được thực hiện trong thời gian tới

Chính phủ có yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng để thẩm định, đánh giá cũng như là hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên đến nay thì vai trò của Bộ KH&CN là khá mờ nhạt?

Giải đáp thắc mắc này, Vụ trưởng Dương cho hay: Theo thông báo của Văn phòng chính phủ thì đúng là có giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nhưng chủ yếu liên quan đến vấn đề kinh phí. Như chúng ta đã biết, đối với các phương tiện lặn mà ở đây với mong muốn của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa là sẽ được sử dụng trong quân sự, nghĩa là trở thành tàu ngầm. Khi nhận được chỉ đạo thì Bộ KH&CN đã có sự trao đổi rất kỹ đối với Bộ Quốc phòng bởi hiện nay trên khắp lãnh thổ của Việt Nam thì các chuyên gia về lĩnh vực tàu lặn, tàu ngầm chỉ có ở trong Bộ Quốc phòng, ở dân sự không có. Sau khi bàn bạc thì đã đi đến thống nhất triển khai theo phương án, nhiệm vụ này được giao trực tiếp cho Bộ Quốc phòng thực hiện ở dạng đề tài cấp Bộ, Bộ Quốc phòng cấp kinh phí để cho Bộ Tư lệnh Hải quân tiến hành đánh giá thiết kế của kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa.

“Ở đây cũng xin nói rõ, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa vì lòng say mê khoa học nhưng khi thiết kế tàu Hoàng Sa thì lại không có bản vẽ thiết kế kỹ thuật theo đúng yêu cầu nên khi tiến hành đánh giá rất là vất vả. Bất kì phương tiện nào khi đánh giá thì cùng cần phải có bản thiết kế kỹ thuật nhưng đối với tàu Hoàng Sa thì có chỗ có, có chỗ không nên các chuyên gia đã phải rất khổ sở để xây dựng lại. Theo quy định của Bộ Quốc phòng, thì các phương tiện lặn phải xây dựng phương án để thử nghiệm. Việc xây dựng phương án thử nghiệm này cũng rất vất vả” – ông Dương cho biết.

Cũng theo ông Dương, khi mang phương tiện đó ra thử nghiệm ở biển đồng nghĩa với việc phải có phương tiện đi kèm để đảm bảo an toàn. Đối với việc thực nghiệm vừa qua thì phải có 6 tàu quây xung quanh, chưa kể đến người và các phương tiện khác.

“Sở dĩ Bộ Khoa học và Công nghệ không thể hỗ trợ gì hơn được nữa vì việc này thuần túy là việc của Bộ Quốc phòng. Chúng tôi chỉ hỗ trợ được khi Bộ Quốc phòng đề nghị tìm các chuyên gia, ở đây ngoài vấn đề về chuyên gia thiết kế, chuyên gia về phương tiện lặn còn có thể liên quan đến cả chuyên gia về thông tin liên lạc… ” – Vụ trưởng Dương bày tỏ.

Nguyễn Hùng